Tai nạn đường sắt 6/7 người chết: "Toàn là người từ nơi khác đến"

Hoàng Hải |

Vị Trưởng phòng quản lý Đô thị huyện Thường Tín cho hay, hầu hết các nạn nhân gặp tai nạn đường sắt trên địa bàn là người từ nơi khác đến.

167 đường ngang qua đường sắt

Liên quan đến vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại địa bàn xã Văn Giáp, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội khiến 6/7 người tử vong, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tuấn Tú – Trưởng phòng quản lý Đô thị huyện Thường Tín về những đường ngang dân sinh, lối đi qua đường sắt của bà con nhân dân trên địa bàn.

Ông Lê Tuấn Tú cho biết, trên địa bàn huyện Thường Tín có 17km đường sắt đi qua và có 167 đường ngang, lối dân sinh của bà con nhân dân đi qua đường sắt. Trong số này thì có 26 đường ngang mà ngành đường sắt công nhận là đúng, hợp pháp.

Còn lại, 21 đường dân sinh và hơn 100 lối đi qua đường sắt là không hợp pháp.

Trong số 26 đường ngang được công nhận hợp pháp thì có 5 đường là có người gác chắn 24/24 do ngành đường sắt quản lý, 11 đường có người gác chắn theo ca (2 ca/ngày) do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý.

Còn lại 10 đường ngang khác thì chỉ có tín hiệu và chuông cảnh báo. Vị trí xảy ra vụ tai nạn làm 6/7 người chết vào ngày 24/10, nằm 1 trong 10 vị trí đường ngang chỉ có chuông và đèn cảnh báo.

Tai nạn đường sắt 6/7 người chết: Toàn là người từ nơi khác đến - Ảnh 1.

Ghi nhận của PV, nơi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng vào sáng 24/10 đã được lắp barie cả 2 bên và có người trực gác 24/24h.

Tuy nhiên, ở vị trí này cách đây một thời gian, một doanh nghiệp phải đi qua đường ngang trên đã xin Cục Đường sắt lập chốt, barie và thuê người gác chắn 2 ca/ngày để đảm bảo cho người và phương tiện qua lại vào những giờ cao điểm.

"Để ngành đường sắt duy trì 1 gác chắn có người gác 24/24 là điều không hề đơn giản.

Một năm, chi phí cho một gác chắn có người trực 24/24 rơi vào khoảng tầm 500 – 600 triệu đồng, đầy là chi phí bên ngành đường sắt mà tôi nắm được còn ở bên thành phố thì tôi không rõ.

Huyện cũng đã tiến hành rà soát tất cả tổng thể 167 đường ngang đi qua đường sắt để biết được từng vị trí cần gì và thiếu gì và những vị trí nào cần phải bịt lại", ông Tú nói.

Ông Tú cũng cho biết, trước đây huyện cũng đã phối hợp với ngành đường sắt để tiến hành làm đường gom dân sinh dồn về 1 lối đi qua đường sắt có bảo vệ, gác chắn để người dân lưu thông được an toàn nhưng được một thời gian thì dự án này bị chậm trễ.

Tai nạn đường sắt 6/7 người chết: Toàn là người từ nơi khác đến - Ảnh 2.

Tai nạn đường sắt 6/7 người chết: Toàn là người từ nơi khác đến - Ảnh 3.

Theo quan sát của PV, từ khu vực bến xe Nước Ngầm xuống đến trung tâm huyện Thường Tín có hàng trăm lối đi qua đường sắt do người dân tự mở, tiềm ẩn rất nhiều những nguy hiểm.

Thời gian sắp tới, huyện Thường Tín cùng phối hợp với ngành đường sắt, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục làm đường gom dân sinh dẫn ra đường to để người dân đi qua những đường ngang này đều có chuông, biển báo, đèn báo và cả gác chắn bảo vệ.

Đồng thời sẽ tiến hành bịt các lối đi tràn lan qua đường sắt mà người dân tự mở ra, không để như tình trạng hiện nay.

Tuy nhiên, để làm được điều này phải có sự chung tay của rất nhiều đơn vị và sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn và thời gian.Bởi vì những hộ dân mà tự mở lối đi qua đường sắt hầu hết là những hộ kinh doanh buôn bán, giờ mà bịt lối đi vào nhà lại, không buôn bán được người dân sẽ khó đồng ý ngay được.

Không chỉ thế có những đường ngang dẫn vào cả 1 thôn, 1 làng lại là đường độc đạo duy nhất thì việc bịt đường ngang này lại càng khó khăn hơn nữa.

Còi ô tô to hơn còi tàu

Tai nạn đường sắt 6/7 người chết: Toàn là người từ nơi khác đến - Ảnh 4.

Những lối đi, đường ngang dân sinh mà người dân tự mở ra để đi lại hầu hết không có đèn tín hiệu, chuông cảnh báo, biển báo nguy hiểm.

"Theo chúng tôi, đối với những đường ngang qua đường sắt mà có đông dân cư đi lại, ngành đường sắt cũng như thành phố nên tạo điều kiện đi lại cho bà con nhân dân

Tại những điểm này mình lắp thêm chuông cảnh báo, đèn tín hiệu để nhân dân nắm được.

Có 1 thực tế, hầu hết những người gặp nạn trong các vụ tai nạn đường sắt lại không phải là người địa phương mà toàn là người từ các nơi khác đến.

Vì người dân địa phương đã nắm rõ được giờ giấc đi lại của các chuyến tàu và vì sinh sống lâu năm nên người dân cũng có những cảm nhận riêng khi tàu sắp đến. Chúng tôi cũng mong muốn trong thời gian tới, ngành đường sắt nên có 1 loại còi tàu riêng hoặc có thể cho tiếng còi to hơn.

Bởi vì hiện nay, nhiều loại còi hơi của xe ô tô còn to hơn cả còi tàu nên khi tàu sắp đến mà lại đi cạnh xe ô tô thì người tham gia giao thông cũng khó phát hiện có tàu đến", ông Tú đưa ra giải pháp về việc ngành đường sắt nên đưa vào sử dụng 1 loại có tàu có nhiều đặc điểm dễ phân biệt hơn với các loại còi của xe ô tô.

Ông Tú cũng cho biết, trong vòng mấy năm nay trên địa bàn huyện Thường Tín chỉ có 5 đường ngang qua đường sắt có gác chắn 24/24, trong thời gian sắp tới mới có thêm 1 – 2 điểm có gác chắn 24/24.

Trước đó, vào khoảng 5h20 sáng 24/10, trên Quốc lộ 1A cũ, đoạn qua thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội đã xảy ra một vụ va chạm kinh hoàng giữa tàu hỏa đang di chuyển hướng Hà Nam – Hà Nội và chiếc ô tô con mang biển kiểm soát 30A 60225.

Hậu quả khiến 6 người tử vong còn 1 nạn nhân bị thương đang được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại