Trả lời phỏng vấn kênh Russia Today (17/12), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga thực sự không có tranh chấp lãnh thổ với bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào, khi mà “tất cả các tranh chấp, bao gồm cả những tranh chấp có tính chất lãnh thổ vào giữa thế kỷ 20, đã được giải quyết từ lâu”.
Tổng thống Putin. Ảnh: AFP
“Nga không có lý do hay lợi ích gì để chiến đấu với các nước NATO. Không có lý do địa chính trị, kinh tế, chính trị hay quân sự nào để gây chiến với các nước NATO. Tuy nhiên chúng tôi sẽ thành lập quân khu Leningrad và tập trung một số đơn vị quân đội ở đó”
Việc tái thành lập quân khu Leningrad (vốn đã từng tồn tại trong giai đoạn 1918-2010) được coi là phản ứng mạnh mẽ của Nga trước hàng loạt các động thái áp sát biên giới gần đây của NATO.
Trong một diễn biến liên quan, hôm qua (18/12), Mỹ và Phần Lan đã ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương cho phép quân đội Mỹ được sử dụng cơ sở hạ tầng quân sự của Phần Lan, bao gồm 15 căn cứ nằm rải rác trên khắp lãnh thổ quốc gia này, đặc biệt là căn cứ không quân ở Lapland – giáp biên giới Nga, hiện đang được nâng cấp để chứa 64 máy bay chiến đấu đa chức năng F-35 có khả năng mang bom hạt nhân chiến thuật.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và người đồng cấp Litva, Arvydas Anusauskas đã ký thỏa thuận cho phép triển khai quân đội thường trực Đức ở Litva, quốc gia nằm giáp với vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. Thoả thuận giữa hai bên nhằm củng cố các điều kiện để 4.800 quân Đức cùng với 200 nhân viên dân sự sẽ đóng quân tại quốc gia vùng Baltic này. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết:
“Một số lực lượng chính sẽ được triển khai trong năm 2025 và 2026, tùy thuộc vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Nhóm chiến đấu sẽ được triển khai vào năm 2026 với tư cách là một tiểu đoàn chiến đấu đa quốc gia sau đó phát triển thành lữ đoàn và lữ đoàn sẽ hoạt động đầy đủ trong suốt năm 2027. Với lữ đoàn có khả năng chiến đấu này, chúng tôi đang đảm nhận vai trò dẫn đầu trong liên minh ở sườn phía đông. Chúng tôi sẽ làm như vậy và sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ NATO.”
Các chuyên gia nhận định, việc NATO siết chặt “vòng vây” đối với Nga là hành động tiềm ẩn nguy cơ nổ ra xung đột quân sự trực tiếp giữa khối này với Nga. Nga trước đó nhiều lần tuyên bố, việc NATO mở rộng liên minh quân sự là một sự xâm phạm đến an ninh của nước này.