Bài viết là chia sẻ của nhiếp ảnh gia Espen Susort trên Petapixel
Đã từ rất lâu, tôi luôn cảm thấy hứng thú với những ống kính với khẩu độ lớn. Tuy vậy hình ảnh trên mạng từ những người đã từng sở hữu các ống kính này thường khá nhàm chán, mờ ảo và chụp cận cảnh tĩnh vật, nên tôi cũng cảm thấy không hào hứng với việc bỏ hàng trăm Đô-la ra để sở hữu chúng.
Cho tới một ngày năm ngoái, tôi tìm thấy 2 ống kính dành cho máy chụp X-quang với giá chỉ 200 USD từ một nhiếp ảnh gia khác. Chúng đủ rẻ để tôi có thể mua về để 'vọc'.
Ống kính đầu tiên có tên là Rodenstock XR-Heligon 75mm f/1.1 và chiếc còn lại có tên Rodenstock TV-Heligon 50mm f/0.75. Khi nhận chúng về, tôi nhanh chóng nhận ra rằng chiếc 75mm không thể sử dụng với máy ảnh Sony a7R II của tôi vì thành phần kính cuối cùng của nó quá lớn, chạm vào các lá màn trập.
Vậy là còn chiếc 50mm f/0.75, với thành phần kính đủ nhỏ để có thể sử dụng được. Nhiệm vụ tiếp theo là tìm được ngàm chuyển thích hợp để gắn nó vào máy ảnh. Ngàm chuyển phải có độ dày không quá 4mm, được chế tạo mà không có dụng cụ chuyên dụng nào và cũng phải đủ rẻ.
Tôi tìm thấy một vòng chắn nắng dành cho ống kính kích thước 82mm trên eBay để sử dụng làm ngàm chuyển cho ống kính. Điều đáng tiếc là hiện nay không nhà sản xuất nào làm vòng đổi kích thước 42 – 82mm, nên muốn làm theo cách này tôi sẽ phải dùng 3 loại bao gồm 49-82mm, 42-49mm và M42 to E-mount. Sử dụng nhiều ngàm chuyển sẽ làm giảm khoảng cách lấy nét xuống chỉ còn 2m, không tốt một chút nào.
Cách hữu hiệu nhất là làm cách nào đó để kết hợp được ngàm M42 và vòng 43-82mm vào với nhau. Tôi thực hiện bằng cách mài ren của cả 2, sau đó giữ chúng lại bằng lực ma sát và không cần dùng thêm bất cứ loại keo nào. Để có thể lấy nét ở vô cực được tôi cũng đã phải mài một đoạn khoảng 1 - 2mm ở phần cuối ống kính bằng cưa và giấy ráp.
Vấn đề cuối cùng cần được giải quyết là lấy nét. Tôi có thể sử dụng máy in 3D, tạo ra 1 thành phần dịch chuyển để lấy nét bằng cách đưa ống kính ra trước và sau, nhưng giải pháp này không mang tính thẩm mỹ cho lắm. Cuối cùng tôi sử dụng vòng xoay trên ống kính (trước đây dùng để gắn nó vào máy X-quang để chụp), mài nhỏ nó lại và gắn vào tấm chắn nắng 82mm cũng bằng ma sát. Bằng cách này, tôi đã có thể lấy nét từ gần tới vô cực.
Cách tôi gắn ống kính vào máy ảnh và cơ chế để lấy nét
Vấn đề tương thích với máy ảnh
Ảnh trước khi chỉnh sửa có một vòng đen rất lớn
Cuối cùng thì tôi cũng có thể sử dụng chiếc ống kính này. Do được thiết kế cho cảm biến nhỏ nên nó chỉ có vòng ảnh vừa với cảm biến APS-C, nên theo hệ số quy đổi thì 50mm f/0.75 sẽ giống như 75mm f/1.0.
Kích thước cảm biến so với vòng ảnh của ống kính
Để sử dụng ống kính trên thực tế, tôi phải gắn thêm báng cầm máy để có nhiều không gian đặt tay hơn. Kèm theo đó tôi luôn phải chụp trong chế độ yên lặng, tức là máy sẽ sử dùng màn trập điện tử thay vì màn trập vật lý, nếu cố sử dụng màn trập vật lý thì thành phần này sẽ chạm vào ống kính gây hỏng hóc.
Trên những chiếc máy ảnh không gương lật Sony có một tính năng hoạt động định kỳ là thay đổi vị trí điểm ảnh (để loại bỏ các điểm ảnh chết), và mỗi khi thực hiện thì máy sẽ đóng màn trập lại và chạm vào mặt sau của ống kính.
Để giải quyết vấn đề này tôi cần phải thay đổi thời gian của máy lên 1 tháng để buộc máy phải thực hiện tính năng trước khi tôi lắp ống kính vào. Mỗi khi tắt máy tôi cũng cố gắng lấy nét ống kính về gần nhất để đưa thành phần kính cuối cùng ra xa cảm biến nhất có thể, mong rằng dù màn trập có đóng xuống thì cũng không gây va chạm.
Thuộc tính ảnh từ ống kính
Qua lời giải thích của tôi, có lẽ bạn cũng biết được rằng đây là một ống kính khó tương thích với máy ảnh, cầm nắm gây 'mệt mỏi' và đến cả chụp ảnh cũng gặp nhiều trở ngại. Với khẩu độ lớn, độ dày của khoảng nét là 'mỏng như tờ giấy', nên sẽ chỉ dành cho những ai đã quen với việc chụp ảnh lấy nét tay và tận dụng được tốt ưu thế của ống ngắm điện tử.
Sau khi dùng ống kính này trong vòng một tháng, tôi vẫn cảm thấy rất ngạc nhiên về những thuộc tính ảnh của ống kính này. Một điều mà tôi chắc chắn đó là những vật được chụp ở khoảng cách 1.5m sẽ sắc nét nhất, bất cứ thứ gì lại gần hơn sẽ bị hơi mờ.
Điều này khiến ống kính không thể chụp được ảnh cận cảnh. Vì khá là khó sử dụng nên nhiều người sẽ cho những ống kính loại này là 'không đáng sử dụng' hay 'đồ bỏ', nhưng nếu biết cách dùng thì nó cũng khá là giống với những ống kính lấy nét tay khác mà thôi.
Phần rìa của ảnh không bao giờ nét cả. Đây là có vẻ chủ ý của nhà sản xuất, vì khi chụp X-quang thì phần rìa ảnh không quan trọng bằng khoảng trung tâm.
Với vòng ảnh nhỏ thì có vẻ như nó được thiết kế để dùng với những cảm biến M4/3 và nhỏ hơn. Phần bokeh có dạng xoáy, làm tôi liên tưởng đến ống kính Helios-44-2 nhưng chiếc Rodenstock này lại sắc nét hơn. Trong một vài ảnh thì bokeh lại hiện ra theo kiểu 'bong bóng' giống với những loại ống kính tele gương.
Với những ai muốn biết ống kính này chụp trong điều kiện thiếu sáng sẽ như thế nào, thì nó cũng không khác gì những ống kính với khẩu độ lớn cả. Bạn vẫn sẽ phải tăng mức ISO lên, nhưng vẫn tốt hơn là khi sử dụng với ống kính khẩu độ nhỏ.
Trong nhiếp ảnh có một thông số là T-Stop có thể đo được hiệu suất truyền dẫn ánh sáng một cách chính xác hơn so với độ lớn khẩu độ (F-Stop), tôi không có dụng cụ để đo được thông số này trên ống kính nhưng chắc chắn là sẽ không ấn tượng bằng con số f/0.75 đâu.
Lời kết
Có lẽ tôi sẽ không bao giờ hiểu được rõ ống kính này, nhưng đôi lúc cũng khá thú vị khi tôi không thể biết được bức ảnh cuối cùng sẽ ra sao. Dùng trên thực tế thì nó khá là to, nặng và cách sử dụng cũng nhiều lúc gây 'đau đầu'. Nhưng có một điều gì đó đặc biệt ở chiếc ống kính khiến nó có sức hút riêng đối với tôi mà không bất cứ ống kính máy ảnh hiện đại nào có thể làm được.