Tái chế hay tái sử dụng?

Hạnh Chi |

Những cuộn quần áo hàng hiệu ướt sũng, trôi bồng bềnh… là hình ảnh thường xuyên thấy  dọc theo bãi biển Chorkor, gần thủ đô Accra của Ghana, một trong những quốc gia nhập khẩu quần áo cũ lớn nhất thế giới. Ở đất nước này, thậm chí có rất nhiều khu ổ chuột được xây dựng trên nền rác thải bằng vải vụn.

Đây là một thảm họa ở các nước đang phát triển được hình thành từ nhiều thập kỷ qua, khi quần áo thời trang ngày càng trở nên rẻ, tiện lợi và phong phú hơn. Mỗi năm, ngành công nghiệp thời trang sản xuất hơn 100 tỷ mặt hàng quần áo. Mỗi ngày, hàng chục triệu sản phẩm may mặc mới được tung ra… Theo ông Solomon Noi, người đứng đầu bộ phận quản lý chất thải của thủ đô Accra, có đến 40% quần áo đã qua sử dụng đi qua cảng của Accra không được tái sử dụng. Tại đây, nó chỉ đơn giản là kết thúc vòng đời sản phẩm như một loại rác, vì Chính phủ Ghana không có tiền và cơ sở hạ tầng để xử lý.

Theo báo Bloomberg, đầu năm 2013, H&M trở thành nhà bán lẻ thời trang lớn đầu tiên bắt đầu chương trình thu gom quần áo đã qua sử dụng trên toàn cầu bằng cách thiết lập các thùng thu gom tại hàng ngàn cửa hàng ở hơn 40 quốc gia. Sáng kiến này đã tạo ra một làn sóng thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường. Trong khi đó, các nhà tâm lý đã chỉ ra rằng, khi mọi người tin rằng một món đồ sẽ được tái chế, họ sẽ mạnh dạn tiêu thụ nhiều hơn.

Trong một tuyên bố vào tháng 1-2017, tạp chí thời trang Elle UK đã và đảm bảo với độc giả của mình: “Chương trình tái chế của H&M có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi mua sắm phóng khoáng vào mùa xuân”. Ngay lập tức, các chuỗi thời trang tên tuổi khác như Mango, Primark và Zara, cũng đã làm theo với các chiến dịch của riêng họ. Các thùng thu gom đồ tái chế được trang trí bằng thông điệp lạc quan trở nên phổ biến khi đó là: “Hãy kết thúc vòng lặp!”, “Tái chế ở đây!”, “Thời trang trường tồn!”.

Tuy nhiên, điều mà không chiến dịch nào thừa nhận là việc tái chế quy mô công nghiệp hàng dệt may đã qua sử dụng thành quần áo mới vẫn chưa hề tồn tại. Theo Quỹ Ellen MacArthur, một tổ chức phi lợi nhuận của Vương quốc Anh, trên toàn cầu, chưa đến 1% quần áo đã qua sử dụng thực sự được làm lại thành quần áo mới. Thực tế phức tạp hơn nhiều. Các sản phẩm may mặc bị bỏ rơi tại các chương trình thu hồi tại cửa hàng sẽ gia nhập chuỗi cung ứng đồ cũ toàn cầu trị giá hàng tỷ USD, xuất khẩu sang các nước đang phát triển.

Người ta cho rằng, đây là lựa chọn có lợi nhất và theo lý thuyết là có trách nhiệm với môi trường nhất, vì việc tái sử dụng các vật phẩm tiêu tốn ít tài nguyên hơn so với việc tái chế chúng. Nhưng Mark Burrows Smith, Giám đốc điều hành của Công ty Dệt may tái chế quốc tế - công ty xử lý 400 triệu sản phẩm may mặc hàng năm ở Anh và Ireland, cho biết: “Tôi nghĩ, cần phải hiểu rằng tất cả hàng dệt may, dù mới hay tái chế, cuối cùng sẽ bị đưa vào bãi rác. Điều quan trọng là giữ cho quần áo được sử dụng càng lâu càng tốt”.

Các chuyên gia về chất thải từng cảnh báo, chúng ta không thể tiêu thụ theo cách của mình để đạt được sự bền vững. “Tái chế sẽ luôn sử dụng nhiều năng lượng và tài nguyên hơn; đồng thời tạo ra nhiều chất thải hơn là tái sử dụng một thứ gì đó, hoặc không tiêu thụ nó ngay từ đầu”. Julia Attwood, người đứng đầu bộ phận vật liệu bền vững tại BloombergNEF - dịch vụ nghiên cứu chính của Bloomberg LP về chuyển đổi năng lượng, cho rằng: “Bất cứ khi nào bạn nghĩ về nền kinh tế tuần hoàn, điều tốt nhất nên làm là giảm nhu cầu”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại