Tái bản bộ sách lịch sử giá trị sau 60 năm

Hạ Đan |

Giáo sư Vũ Minh Giang đánh giá “Đại Nam thực lục có đầy đủ tất cả những gì chúng ta cần biết về triều Nguyễn”. Giá trị bộ sách quan trọng đối với cả giới nghiên cứu trong và ngoài nước này lần nữa được xới lại với nhiều thông tin bất ngờ.

Bộ sách có nhiều kỷ lục

Nhân kỷ niệm 60 năm (1962 - 2022) bộ Đại Nam thực lục xuất bản lần đầu bằng tiếng Việt, Viện Sử học phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội và Công ty CP Tri thức văn hóa sách Việt Nam (Vinabooks) tổ chức tái bản bộ sách lần thứ 2 gồm 10 tập và dày gần 10.000 trang.

GS. Đỗ Bang (Phó chủ tịch hội khoa học lịch sử Việt Nam) đánh giá: Đại Nam thực lục là bộ sử đồ sộ nhất của Việt Nam đã được ấn hành. Đây là bộ sử đã được biên soạn trong 88 năm (1821-1909) từ triều Minh Mạng đến triều Duy Tân, gồm 560 quyển ghi chép thực toàn bộ lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 19 dưới sự trị vì của vương triều Nguyễn. Bộ sách được các đại thần và chuyên gia hàng đầu của triều đình Huế thực hiện, là một kỷ lục về thời gian và kỳ công tổ chức".

Tái bản bộ sách lịch sử giá trị sau 60 năm - Ảnh 1.

Trưng bày các ấn bản Đại Nam thực lục bằng tiếng Việt xuất bản năm 1962

Giáo sư Vũ Minh Giang sau khi nhận định Đại Nam thực lục là bộ sách "quan trọng nhất, có đầy đủ tất cả những gì chúng ta cần biết về triều Nguyễn" cũng chia sẻ: một trong 8 bộ sách mà ông thường dùng tra cứu "gần như làm gì cũng phải đụng đến" chính là Đại Nam thực lục.

Giáo sư Giang cũng tiết lộ: sở dĩ Đại Nam thực lục có giá trị đặc biệt là vì đích thân các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị đều trực tiếp tham gia quá trình biên soạn. Còn vua Tự Đức thì có lời phê chỉ đạo: "cứ thực mà chép thì sử mới đáng tin".

Đại Nam thực lục chính biên biên soạn từ nguồn tư liệu chính là các bản tâu của các cơ quan trung ương, địa phương, các đại thần gửi đến triều đình, được các vua Nguyễn phê duyệt bằng bút son, sau khi được nội các sao chép và chuyển cho Quốc sử quán để làm tư liệu biên soạn sách nên khá chuẩn xác về nhân vật, sự kiện, và thể hiện tương đối đầy đủ, trung thực về chính sách chủ trương của vương triều, quan điểm của các vua Nguyễn.

Tái bản bộ sách lịch sử giá trị sau 60 năm - Ảnh 3.

Đại Nam thực lục tái bản năm 2022


Bộ sử này được biên soạn theo phương pháp biên niên nên rất dễ để tra cứu sự kiện, nhân vật, địa danh, địa chí theo trình tự thời gian.

Những năm 60 của thế kỷ 20, Viện Sử học đã tập hợp các nhà Hán học uyên bác như Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Đỗ Mộng Khương... để dịch và hiệu đính. Năm 1962, Viện Sử học xuất bản lần đầu ấn bản tiếng Việt bộ Đại Nam thực lục và phải mất 16 năm mới thực hiện xong 38 tập.

Đây được đánh giá là nguồn sử liệu chính thống hàng đầu trong việc nghiên cứu, tra cứu, tìm hiểu thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong và Việt Nam thế kỷ 19; cung cấp những tư liệu khoa học và pháp lý hữu ích trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý, phát triển và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Những giá trị thời sự

Nhiều nhà nghiên cứu đều khẳng định, chủ quyền biển đảo của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được khẳng định rất rõ trong Đại Nam thực lục. Cụ thể, Giáo sư Đỗ Bang dẫn chứng: sách ghi rõ vào năm 1803, Vua Gia Long cho tái lập Hải đội Hoàng Sa và năm 1816, đưa thủy quân xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa, chính thức hóa chủ quyền của nhà nước Trung ương được thế giới lúc bấy giờ thừa nhận, là mốc quan trọng cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hơn 200 năm qua. Triều đình Minh Mạng cũng cử nhiều cơ quan Trung ương ra Hoàng Sa để làm nhiệm vụ khai thác và thực thi chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Giáo sư Đinh Xuân Dũng dẫn chứng: Trang 116 tập 2 của Đại Nam thực lục ghi rõ: mùa hạ tháng 4 Vua sai đo bãi cát Trường Sa rộng dài bao nhiêu. Sau đó là ghi chép về việc dựng đền thờ thần ở đảo Hoàng Sa. Sang tập sáu, sách chép lại cụ thể hơn: vua sai mang theo 10 cái bài gỗ, dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc chữ Minh Mệnh năm thứ 17 để dựng đền thờ ở Hoàng Sa. Giáo sư Dũng khẳng định: những cứ liệu lịch sử này là bằng chứng không thể chối cãi về việc Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam. Ông cũng nhắc lại: sách không chỉ chép một lần mà nhiều lần, tỉ mỉ đến độ ghi rõ, ngày tháng năm vua sai xây đền nhưng các quan không hoàn thành còn bị kỷ luật như thế nào.

Giáo sư Đỗ Quang Hưng bày tỏ mong muốn Đại Nam thực lục sẽ được cô lại thành loại sách mỏng 100 trang, dành cho bạn đọc bình thường, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên để nâng cao hiểu biết về lịch sử.

Cách làm này trước đó đã được NXB Kim Đồng áp dụng rất thành công với cuốn "Triết học tự cổ chí kim" phiên bản ngắn gọn hơn 300 trang kèm minh họa khiến ngay cả trẻ em cũng có thể tiếp cận. Bất ngờ là sau đó đầu sách này lọt vào danh sách bán chạy ở nhiều trang sách trực tuyến lớn, được nhiều bạn đọc phổ thông tìm kiếm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại