Tác giả 'Cha giàu, cha nghèo' nhấn mạnh 'Nếu tôi phá sản, ngân hàng cũng sẽ phá sản': Chuyện gì đây?

Bạch Linh |

Mặc dù các phương pháp của Kiyosaki mang lại thành công cho ông nhưng chúng cũng bao gồm những rủi ro, được minh chứng rõ ràng bằng những rắc rối tài chính mà ông từng gặp trong quá khứ.

Tác giả 'Cha giàu, cha nghèo' nhấn mạnh 'Nếu tôi phá sản, ngân hàng cũng sẽ phá sản': Chuyện gì đây?- Ảnh 1.

Robert Kiyosaki, tác giả cuốn sách “Cha giàu cha nghèo” là người có triết lý riêng về nợ và đầu tư. Mới đây, trong một đoạn video trên Instagram, ông đã bày tỏ quan điểm về nợ của mình, đồng thời nêu bật sự khác biệt quan trọng giữa tài sản và nợ phải trả.

Ông cho biết nhiều người dùng nợ để mua nợ, trong khi ông dùng nợ để mua tài sản. Để minh họa cho cách tiếp cận của mình, Kiyosaki lấy ví dụ những chiếc xe sang trọng của ông như Ferrari và Rolls Royce đều được thanh toán đầy đủ để có thể được phân loại là tài sản thay vì nợ phải trả.

Trong đoạn video, Kiyosaki cũng bày tỏ sự hoài nghi đối với việc nắm giữ tiền mặt. Ông Kiyosaki, người tin rằng những biến động tài chính của nước Mỹ bắt đầu từ khi nước này bãi bỏ chế độ bản vị vàng vào năm 1971. Thay vì giữ tiền mặt, ông chuyển số tiền mặt kiếm được thành bạc và vàng. Kiyosaki từng thừa nhận chiến lược này đã dẫn đến khoản nợ tích lũy 1,2 tỷ USD. Dù vậy, ông chia sẻ mình mắc nợ vì “nếu tôi phá sản, ngân hàng cũng phá sản, đó không phải vấn đề của tôi".

Theo Yahoo Finance, cách tiếp cận của ông liên quan đến việc sử dụng nợ một cách “có chiến lược” để nâng cao sự giàu có. Kiyosaki phân loại nợ thành nợ tốt và nợ xấu, trong đó nợ tốt là nợ giúp tạo dựng sự giàu có, chẳng hạn như các khoản vay dùng để mua tài sản tạo thu nhập như bất động sản, kinh doanh hoặc đầu tư. Ông ủng hộ việc sử dụng nợ làm đòn bẩy trong đầu tư, đặc biệt là bất động sản, và coi đó là một cách hiệu quả để vượt qua những biến động của thị trường và tận dụng các cơ hội.

Đa dạng hóa danh mục đầu tư

Chiến lược đầu tư của Kiyosaki rất đa dạng. Ông nổi tiếng với lập trường chống lại tiền pháp định, thay vào đó ủng hộ đầu tư vào thứ mà doanh nhân này gọi là “tài sản thực” như Bitcoin, bạc, vàng và bò Wagyu.

Đặc biệt, Bitcoin là một loại tài sản yêu thích của ông, được coi như một hàng rào chống lại sự suy giảm giá trị của đồng USD. Kiyosaki coi vàng, một thành phần quan trọng khác trong danh mục đầu tư của mình là ổn định và đáng tin cậy hơn tiền mặt. Vị doanh nhân thậm chí còn bày tỏ sẵn sàng tăng lượng vàng nắm giữ ngay cả khi giá vàng sụt giảm đáng kể.

Bạc cũng là một phần quan trọng trong chiến lược đầu tư của ông. Ông coi đây là một khoản đầu tư dài hạn, vì nó ngày càng hiếm và giá tương đối thấp hơn so với vàng.

Bên cạnh đó, bất động sản vẫn là nền tảng trong các khoản đầu tư của Kiyosaki, được định giá nhờ lợi ích kép là thu nhập cho thuê và tăng giá vốn.

Khoản đầu tư của ông vào bò Wagyu, một loại tài sản ít phổ biến hơn, phản ánh niềm tin vào việc đa dạng hóa danh mục đầu tư ra ngoài các khoản đầu tư truyền thống.

Cách tiếp cận nợ và đầu tư của Kiyosaki bắt nguồn từ quan điểm rộng lớn hơn về tài chính và sự giàu có. Ông xem tiền mặt như một hình thức nợ hoặc nghĩa vụ, một công cụ có thể được sử dụng để thu thập tài sản và tạo ra của cải. Đồng thời, triết lý của ông nhấn mạnh đến giáo dục về tài chính, gợi ý rằng mọi người nên có hiểu biết đầy đủ về các vấn đề tài chính.

Mặc dù các phương pháp của Kiyosaki mang lại thành công cho ông nhưng chúng cũng bao gồm những rủi ro, được minh chứng rõ ràng bằng những rắc rối tài chính mà ông từng gặp trong quá khứ. Ví dụ năm 2012, Kiyosaki từng nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Tham khảo Yahoo Finance

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại