Tác giả bộ sưu tập 12 con giáp: “Mặc quần mới là phản cảm”

Thanh Hà (thực hiện) |

Trong những ngày qua, dư luận ồn ào với nhiều chỉ trích quanh sự “phản cảm” của các nhân vật trong vườn tượng 12 con giáp ở Hải Phòng. Tuy nhiên, bên cạnh những phê phán cũng có không ít ý kiến đồng tình. Tôn trọng sự đa chiều, chúng tôi xin đưa thêm cảm xúc của chính người trong cuộc – nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn.

Các linh vật mang giá trị tín ngưỡng dân gian

Sau khi bị dư luận phản ứng, Công ty Cổ phần Quốc tế Hòn Dáu đã ứng phó bằng cách cho các con giáp mặc quần bikini. Là tác giả của bộ điêu khắc này anh có thấy “nhức mắt”?

- Đương nhiên rồi. Đây mới là sự dung tục và phản cảm.

Vậy anh có yêu cầu phía Công ty Cổ phần Quốc tế Hòn Dáu bỏ các mảnh vải xấu xí này ra khỏi 12 con giáp không?

- Tôi hiểu là ông Hoàng Văn Thiềng - Chủ tịch HĐQT của Công ty đang chịu sức ép lớn từ dư luận và các cơ quan chức năng, trong lúc chưa nghĩ ra được giải pháp nào thì đành “ứng biến nhanh” như vậy.

Tuy nó là “con” mình thật nhưng mình đã tặng cho họ rồi thì sử dụng nó thế nào, đối xử với nó ra sao là quyền của họ. Bản thân tôi đã hoàn thành sứ mệnh của mình là tạo ra nó bằng tất cả tâm huyết và công sức của mình.

Trong cuộc đời sáng tác điêu khắc của mình, đã bao giờ anh gặp những phản ứng tương tự như vậy?

- Cũng có chứ, nhưng thành “làn sóng” như thế này thì chưa. Tôi nghĩ đằng sau chuyện này hẳn là có “âm mưu” gì đó nhằm vào tôi, hoặc là vào Công ty Cổ phần Quốc tế Hòn Dáu chăng? Vì nó được hoàn thành và trưng bày từ năm 2009 rồi, khi đó cũng có những ý kiến trái chiều nhưng nó vẫn nằm trong dự đoán của tôi.

Không hiểu sao sau từng ấy năm nó lại bị đưa ra để mổ xẻ như vậy.

Khi mình mang đến cái gì khác biệt thì hẳn nhiên là sẽ có phản biện. 12 con giáp thì rất nhiều người đã làm nhưng chủ yếu là đặc tả những con vật rất cụ thể, người trần mắt thịt và tầm thường giống như con vật thấp kém mà chúng ta thường mang ra giết thịt chứ không “nâng tầm” nó lên thành một biểu tượng văn hóa.

Ở đây, các con giáp của tôi còn mang giá trị tín ngưỡng dân gian, có nội dung bác học của tượng, khác hẳn với các bức tượng hiện nay.

Nhưng có ý kiến cho rằng, những sáng tạo của anh cũng không có gì mới, thậm chí là sao chép các trường phái điêu khắc của Hi Lạp. Anh nghĩ sao về nhận xét này?

- Tôi thừa nhận là những gì mình làm là không mới. Nghệ thuật là sự kế thừa và từ đó để người ta sáng tạo. Ở Việt Nam, tôi khẳng định là chưa có bộ sưu tập điêu khắc 12 linh vật mang biểu tượng tâm linh như vậy.

Biết là nó sẽ bị phản ứng nhưng vì sao anh vẫn làm, mà lại còn tặng cho Công ty Cổ phần Quốc tế Hòn Dáu?

- Nghệ thuật mà chọn lối mòn, chọn đường phẳng để đi thì không còn là sáng tạo nữa.

Nếu gọi đó là phản cảm thì thưa các nhà nghiên cứu, theo các vị, các vị sẽ làm thế nào để tạc các linh vật này với đầy đủ bộ phận cơ thể? Ở châu Âu thời kỳ Phục Hưng có nhà điêu khắc đại tài Michelangelo đã tạo tác ra tượng thần David hoàn toàn nude, trần nhà nhà thờ.

Ở Ý, Michelangelo đã vẽ trên vòm trần, mô tả trên thiên đàng là đức chúa và các thánh thần trong các cơ thể hoàn toàn khỏa thân.

Khi đến thăm, thoạt tiên Đức giáo hoàng cho là nhà điêu khắc rất dung tục và phỉ báng tôn giáo nên đã đánh Michelangelo, bắt ông phải xóa, chỉnh sửa.

Đến hôm sau, Đức giáo hoàng đến thì thấy Michelangelo vẫn giữ nguyên toàn bộ, chỉ sửa một chi tiết duy nhất là xóa một khuôn mặt một vị thần và thay vào đó là khuôn mặt của vị giám mục đang tự nhìn vào bộ phận sinh dục của mình với khuôn mặt tự xấu hổ.

Đến đây Đức giáo hoàng đã tự hiểu ra mình đã sai. Tác phẩm trên vòm trần đó sau đã trở thành kiệt tác và tồn tại đến tận ngày nay, nó đã trở thành một địa chỉ du lịch nổi tiếng trên thế giới.

Sáng tác mà ai cũng hiểu thì không còn là nghệ thuật

Khi sáng tạo bộ linh vật này, điều anh hướng đến là gì?

- Là không lặp lại của ai cả và tác phẩm đó phải có giá trị lâu bền. 12 con giáp xuất phát từ ý tưởng, tất cả chúng ta dù là ai, con giáp gì thì đều được tạo hóa ban tặng cho một thân hình da thịt hoàn mỹ, đẹp đẽ, là một kiệt tác của thiên nhiên.

Do vậy tôi đã tạo ra các tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp đầy đủ, nguyên lành của chính con người chúng ta chỉ thay đổi cách điệu khuôn mặt mang tinh tướng đại diện cho con giáp của từng linh vật.

Còn trong pho tượng có diễn tả bộ phận sinh dục trần tục thì có cũng là lẽ đương nhiên của một tác phẩm nghệ thuật thuần khiết không thể thiếu trên cơ thể tác phẩm nghệ thuật.

Hôm nay công chúng có thể chưa hiểu nhưng cùng với thời gian và sự cọ xát, tôi tin là trình độ của họ sẽ được nâng lên và trả lại cho nghệ thuật giá trị đúng nghĩa.

Những phản ứng như vừa qua có khiến anh buồn lòng mà tìm cách sáng tạo khác để được số đông đón nhận hơn không?

- Tôi làm sáng tạo điêu khắc đến nay cũng gần 20 năm rồi nên hiểu rằng, nghệ thuật mà được ủng hộ tuyệt đối cũng không phải là hay đâu. Sáng tạo mà khiến ai cũng dễ nhìn, dễ cảm thì đó chỉ là mỹ thuật chứ không phải nghệ thuật.

Trong sáng tạo, nhất là với cái mới, chỉ cần 2% dư luận hiểu đã là thành công rồi. Tôi hoàn toàn thông cảm với những ý kiến trái chiều của công chúng vì gu thẩm mỹ của số đông luôn chậm hơn những cái mới của nghệ thuật.

Thế nên câu chuyện này không khiến tôi buồn, vì ngay cả những nhà chuyên môn cũng còn không hiểu thì trách gì công chúng.

Trước đây, 12 con giáp đó chỉ nương náu một cách lặng lẽ thì nay, nhờ sự phản ứng đó mà được nhiều người biết đến hơn. Có người bảo tôi, nhờ đó mà trở nên nổi tiếng kể cũng đúng.

Nếu phía Công ty Cổ phần Quốc tế Hòn Dáu không chịu được áp lực dư luận mà bỏ 12 con giáp đi thì anh có dùng quyền tác giả của mình để phản ứng lại không?

- Khi một tác phẩm ra đời thì sự định đoạt nó là thuộc về công chúng. Nếu không còn được đón nhận, không còn nơi nào để nghệ thuật dung thân thì tôi sẽ đưa nó về, có thể là ở một không gian hẹp hơn, mang tính cá nhân chẳng hạn.

Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật năm 2000. Từ đó đến nay, anh đã có hai triển lãm điêu khắc toàn quốc vào năm 2003, tham gia Trại sáng tác điêu khắc Quốc tế năm 2005 và là đồng sáng lập viên Trại điêu khắc quốc tế lần thứ nhất, diễn ra tại Hòn Dáu, Hải Phòng năm 2007.

Bộ linh vật 12 con giáp được anh hoàn thành trong 3 năm, với kinh phí 500 triệu đồng.

Nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ cho biết, cách đây gần 10 năm, Hòn Dáu từng là trại sáng tác điêu khắc đầu tiên tại Việt Nam. Lúc đó, bản thân ông cũng nằm trong Ban tổ chức.

Khoảng 40 tác phẩm điêu khắc, trong đó có 20 tác phẩm của các nhà điêu khắc thế giới và 20 tác phẩm của Việt Nam được trưng bày tại đây. Các tác phẩm đều rất đẹp, tính thẩm mỹ cao và kinh phí thực hiện dự án khi đó lên tới 5 tỷ đồng.

Nhưng khoảng 5 năm sau, ông quay trở lại, có thể nói họ đã phá bỏ 80% để quy hoạch lại, xây dựng thêm một số công trình để phục vụ du lịch.

Những tác phẩm ấy cũng không còn nhiều khiến ông rất buồn. "Công sức của các nghệ sĩ làm các tác phẩm rất đẹp, nhưng giờ thì be bét quá", nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ thở dài.

Nói về tượng điêu khắc khỏa thân, nghệ sĩ Hoàng Cơ cho hay, tại Hàn Quốc có hẳn một công viên 18+, trong đó có những bức tượng khỏa thân và những bức tượng mô tả trần trụi về chuyện quan hệ nam nữ của con người.

Tuy nhiên, đây là công viên có chuyên đề riêng, ý nghĩa riêng để phục vụ khách du lịch.

Trước các bức tượng ở Hòn Dáu đang gây tranh cãi, nhà điêu khắc thẳng thắn: "Dẹp đi thôi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại