Quân đội Nga sẽ rút lui
Reuters dẫn lời Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga cho biết, Nga sẽ dần rút quân ở Syria từ giờ cho tới cuối năm sau khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
Trong nhiều năm qua, quân đội Nga đã đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi bước tiến của IS và các lực lượng đối lập Syria.
Trả lời các phóng viên bên lề cuộc gặp mặt giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và các tướng lĩnh cấp cao khác tại Sochi, Đại tướng Valery Gerasimov cho biết: "Hầu hết các mục tiêu quân sự đã được hoàn thành. Những quyết định quan trọng nhất sẽ được hội đồng thảo luận nhưng chắc chắn Nga sẽ rút quân khỏi Syria."
Tuy vậy, theo tướng Gerasimov, Nga sẽ để lại 2 căn cứ quân sự, một trung tâm giám sát thỏa thuận ngừng bắn và "một vài cơ sở hạ tầng thiết yếu để hỗ trợ chính phủ Syria."
Ông Putin chào đón ông Assad tại Sochi. Ảnh: Reuters. |
Hôm thứ Hai (20/11) vừa qua, ông Putin đã có cuộc gặp mặt với Tổng thống Bashar al-Assad tại Sochi để thảo luận những giải pháp chính trị nhằm giải quyết vấn đề Syria.
Cả hai đều hi vọng có thể tránh những đụng độ vũ trang không cần thiết.
Hôm thứ Tư (22/11), ông Putin tiếp tục đàm phán thành công với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhằm chủ trì hội nghị bàn luận về hòa bình ở Syria, thúc giục quá trình hòa giải ngoại giao để kết thúc cuộc chiến kéo dài hơn 6 năm tại đất nước Trung Đông này.
Mỹ tiếp tục viện trợ SDF
Trong khi đó, quân đội Mỹ lại tỏ ra khá lo ngại vùng lãnh thổ phía Bắc của Syria sẽ rơi vào tay chính quyền Damascus. Washington Post dẫn lời các sĩ quan Mỹ cho biết, Mỹ đã có kế hoạch tiếp tục đóng quân trong khu vực người Kurd để thành lập một chính quyền độc lập.
Theo các tướng lĩnh đề nghị giấu tên, Mỹ cho rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại đây sẽ giúp ổn định các cộng đồng dân cư trong khu vực. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng khẳng định Mỹ sẽ không rút quân cho tới khi các giải pháp ngoại giao đạt được hiệu quả giữa các bên.
Các phe đối lập Syria sẽ có cuộc họp tại Geneva ngày 28/11 cho vòng đối thoại hòa bình thứ 8 được Liên Hợp Quốc tổ chức nhằm kết thúc giao tranh. Mỹ được cho là đã hậu thuẫn Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd rất nhiều trong thời gian vừa qua.
Mới đây, theo Sputnik, một phát ngôn viên SDF đề nghị giấu tên cho biết, Mỹ tiếp tục cung cấp số lượng lớn xe thiết giáp và vũ khí hạng nặng cho lực lượng này. Kể cả khi IS bị tiêu diệt hoàn toàn, lượng hàng được chuyển tới vẫn không có dấu hiệu giảm sút.
Quân đội Mỹ tại Syria. Ảnh: Reuters
"Quân đội Mỹ đã gửi cho chúng tôi 120 xe bọc thép cùng vũ khí, bao gồm súng tiểu liên, lựu pháo, súng cối và nhiều loại khí tài khác," người này cho biết.
Theo các báo cáo trước đó, Mỹ đã cung cấp tổng cộng khoảng 1.900 xe tải các loại vũ khí hạng nặng và đạn dược cho lực lượng SDF.
Hussam Shueib, chuyên gia Syria về các nhóm quân nổi dậy nhận định Mỹ cần nhiều công cụ hơn để tránh bị quân chính phủ Syria đánh bại và chiếm lại các vùng lãnh thổ.
"Washington đang hỗ trợ SDF bởi đây là lực lượng đồng minh cuối cùng của Mỹ tại Syria cùng nhiều lí do khác. Thứ nhất, SDF có mối quan hệ thân cận với người Kurd. Thứ hai, SDF là lực lượng trực tiếp phản đối chính quyền Syria do ông Assad lãnh đạo. Cuối cùng, SDF có khả năng chiếm vùng lãnh thổ phía bắc đất nước và ‘chia rẽ’ Syria," ông Shueib phân tích.
Tuy vậy, SDF không được chào đón bởi cả người Syria lẫn người Kurd tại Syria. Nhưng dù sao đi chăng nữa, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hậu thuẫn cho lực lượng này bởi đây là hi vọng cuối cùng của Mỹ trong việc cản trở chính phủ và đồng minh của Syria, ông Shueib kết luận.
Quân đội Syria tái chiếm làng Qasr Ali gần trục Idlib. Nguồn: Almasdar News