Syria: Ngỡ "ca khúc khải hoàn", quân Nga khổ sở lâm vào thế ở chẳng được, rút không xong

Hải Võ |

Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh rút lực lượng Nga tại Syria về nước, nhưng các đồng minh bản địa dường như chưa thể bảo vệ lợi ích của Moskva.

Kể từ khi cuộc xung đột ở Syria bùng nổ năm 2011, Nga luôn ủng hộ chính quyền tổng thống Bashar al-Assad. Bên cạnh ủng hộ về chính trị, viện trợ về kinh tế và vũ khí, Nga còn mở chiến dịch không kích chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tại đây từ tháng 9/2015.

Nhớ lại tình thế sa lầy của Liên Xô trong cuộc chiến Afghanistan giai đoạn 1978-1992, nhiều người lo ngại "lịch sử lặp lại" với Nga ở Syria.

7 chiến đấu cơ của quân đội nước này cùng một kho đạn ở căn cứ không quân Hmeymim tại Syria đã bị phá hủy trong cuộc tấn công của quân nổi dậy những ngày cuối năm 2017. Báo chí Nga gọi đây là tổn thất lớn nhất cho quân đội Nga kể từ khi bắt đầu can thiệp tại Syria.

Bộ quốc phòng Nga phản hồi rằng chỉ hai quân nhân thiệt mạng, nhưng phủ nhận báo cáo về số máy bay bị hủy hoại. Tờ Kommersant cùng một số cơ quan truyền thông Nga cũng nói báo cáo chiến đấu cơ thiệt hại ở Hmeymim là tin giả.

Nhưng dù thế nào, điều không thể phủ nhận là căn cứ Nga tại Syria đã bị tấn công, và các phản ứng trái chiều trên truyền thông Nga cho thấy dư luận nước này "nóng ruột" trước tình trạng của đất nước trong cuộc chiến Syria - theo đánh giá của nhà nghiên cứu Cui Heng, thuộc Trung tâm nghiên cứu Nga, trường Đại học Hoa Đông, Trung Quốc.

Diễn biến trên chiến trường Syria có nhiều chuyển biến từ giữa năm 2017, khi phần lớn thành trì của IS bị quân đội chính phủ Syria - với không quân Nga yểm trợ - bao vây. Đến nay, chính quyền Assad chiếm thế thượng phong trên nhiều địa bàn.

Syria: Ngỡ ca khúc khải hoàn, quân Nga khổ sở lâm vào thế ở chẳng được, rút không xong - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin đến thăm căn cứ Hmeymim vào ngày 11/12/2017 (Ảnh: Sputnik)

Ở không được, rút không xong

Bất ngờ đến thăm căn cứ Hmeymim vào giữa tháng 12, tổng thống Putin ra lệnh khởi động lộ trình rút lực lượng Nga về nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và cởi mở cho lộ trình hòa bình. Nhờ các vòng hòa đàm tại Astana do Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì, tiến trình hòa bình cho Syria đã có bước tiến đáng kể.

Tuy nhiên, cuộc tấn công căn cứ Nga ngày 31/12/2017 rất nhiều khả năng đảo ngược kế hoạch rút quân của Moskva.

Theo học giả Cui Heng, có thể Nga sẽ trì hoãn rút quân, nhằm ngăn chặn các lực lượng cực đoan tái phát động các cuộc công kích cơ sở quân sự. Ông Putin đã nêu lập trường cứng rắn chống chủ nghĩa cực đoan, như một phần nội dung tranh cử tổng thống của mình.

Tuy nhiên, việc hoãn rút quân không chỉ tác động đến danh tiếng của tổng thống Nga, mà còn ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình, bởi việc Nga lui binh khỏi Syria là một yêu cầu của phe đối lập. Quân Nga "ở lại" sẽ làm dấy lên nghi ngờ về mức độ cam kết của chính quyền Assad đối với đàm phán hòa bình.

Ngoài ra, việc Nga có thể rút quân hay không đã không còn nằm trong khả năng kiểm soát của Moskva, mà phụ thuộc vào khả năng lực lượng chính phủ Assad kiểm soát được cục diện trong nước và giúp Nga gìn giữ lợi ích của mình.

Với việc quân chính phủ đánh đuổi được IS, vị thế của ông Assad được củng cố hơn nhiều so với những năm đầu cuộc chiến, và giúp thúc đẩy quân đội đàm phán với phe đối lập.

Syria: Ngỡ ca khúc khải hoàn, quân Nga khổ sở lâm vào thế ở chẳng được, rút không xong - Ảnh 2.

Các máy bay Nga bên trong căn cứ Hmeymim (Ảnh: Sputnik)

Dù tình hình đang có lợi cho tổng thống Assad và Nga, hàng loạt thách thức vẫn tồn tại.

Đầu tiên, các nhóm đối lập vẫn có không gian phát triển bởi vấn đề cốt lõi của cuộc nội chiến chưa được xử lý, đó là những cáo buộc ông Assad "độc chiếm quyền lực" hay tình trạng tăng trưởng kinh tế kém. Trong khi làn sóng người tị nạn Syria tiếp tục hồi hương từ châu Âu, ông Assad phải chuyển trọng tâm sang củng cố chính quyền và tái thiết đất nước.

Tiếp theo, tình trạng đối địch giữa Nga-phương Tây đã làm cuộc chiến Syria phức tạp hơn. Moskva ủng hộ quân chính phủ, trong khi liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu hậu thuẫn lực lượng đối lập, nhằm đạt được các mục tiêu riêng.

Rất khó để Nga vừa rút quân khỏi Syria, vừa bảo đảm lợi ích của mình tại đây, đồng thời lại giúp củng cố chính quyền của đồng minh Assad.

Tổng thống Nga ra lệnh rút quân khỏi Syria.

Nga cần tiếp tục hiện diện ở Syria để giữ lợi ích chiến lược?

Theo ông Cui, đến nay dường như Moskva đã nhận ta các mục tiêu tiên quyết: Ổn định chính quyền Assad, nâng cao sức mạnh quân chính phủ Syria, chiếm giữ một vị trí vững chắc trong cục diện Trung Đông, tái thiết ảnh hưởng của một cường quốc, và chống lại cấm vận từ phương Tây.

Cục diện Syria đang tương đối ổn định. Nga thắt chặt các liên hệ với Damascus và cả Iran, Iraq, ngăn cản đáng kể các mục tiêu của Mỹ và châu Âu với Trung Đông.

Từ góc nhìn chiến lược, Nga can thiệp quân sự ở Syria đã giúp khôi phục ảnh hưởng của nước này tại Trung Đông.

Vì vậy, bằng cách can thiệp sâu rộng vào Syria, Moskva đã gặt hái được lợi ích tối đa, với chi phí tối thiểu. Ngay cả các đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, và Iraq cũng bắt đầu tìm kiếm cơ hội hợp tác với Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại