Đúng vào lúc tưởng như cuộc chiến Syria không thể phức tạp hơn nữa thì nó thực sự phức tạp hơn. Trên bầu trời Địa Trung Hải, tên lửa của Syria bắn hạ máy bay do thám của đồng minh Nga sau khi nhận lầm là máy bay ném bom Israel.
Tại khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ biển Đen, tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đề ra một kế hoạch, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giải giới những phần tử thánh chiến cộm cán ở các khu vực mà Ankara kiểm soát tại tỉnh Idlib của Syria.
Ở đây có 2 vấn đề nổi rõ. Một là sự can thiệp từ bên ngoài vào Syria đang gia tăng và hai là vai trò trung tâm, không thể thay thế của Nga. Ở sườn phía Tây Nam của Syria, lực lượng quân cảnh Nga đang tuần tra gần cao nguyên Golan để kiềm chế Israel lẫn các nhóm vũ trang được Iran ủng hộ. Lâu nay, Nga để Israel không kích các cố vấn Iran trên đất Syria. Chỉ sau vụ máy bay Nga bị bắn hạ gần đây, Moscow mới công khai răn đe Israel.
Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều mặt như thế. Nga lên án Ankara chiếm đóng phần lãnh thổ phía Bắc Syria, bao gồm nhiều khu vực ở tỉnh Idlib, song lại tận dụng sự hiện diện đó để yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ giải giới các phần tử thánh chiến do chính nước này hậu thuẫn.
Tại khu vực khác của Idlib, lực lượng chính phủ Syria cùng máy bay Nga đang tấn công các tay súng nổi dậy. Ở đây có bóng dáng các "tay chơi" bên ngoài như Anh, Pháp và Mỹ. Họ đang tăng cường chiến dịch ngăn cản Nga không kích ở Idlib, một phần vì lý do nhân đạo (trước nguy cơ thường dân thiệt mạng) nhưng những động cơ khác đằng sau lời kêu gọi ngừng bắn lại không được cao đẹp cho lắm - họ muốn trì hoãn sự thành công của quân đội Syria và đồng minh Nga trong việc giành lại thành trì cuối cùng còn trong tay quân nổi dậy.
Anh, Pháp, Mỹ cùng các vương quốc Ả Rập ở vùng Vịnh dính vào cuộc nội chiến Syria ngay từ khi cuộc nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad bị quân sự hóa năm 2012. Họ tài trợ cho các nhóm nổi dậy, bao gồm các phần tử cực đoan thánh chiến. Kêu gọi ngừng bắn kỳ thực là để giúp đỡ quân nổi dậy hơn là những dân thường đang sống trong khu vực lực lượng này kiểm soát.
Có cách tốt hơn nhiều để bảo vệ hơn 2 triệu dân thường đang mắc kẹt ở Idlib. Đó là dàn xếp một thỏa thuận chính trị mở đường cho quân nổi dậy đầu hàng.
Trong vòng 2 năm qua, chính phủ Syria đã đàm phán hơn 100 thỏa thuận đầu hàng như thế với nhiều nhóm nổi dậy khác nhau. Được gọi một cách hoa mỹ là "thỏa thuận hàn gắn", những thỏa thuận này cho phép hàng ngàn tay súng nổi dậy rời khỏi các khu vực bị bao vây.
Hầu hết số này chuyển tới Idlib. Quá mong muốn giành lại kiểm soát, lực lượng Syria còn cho phe nổi dậy rời đi mà vẫn mang theo súng trường và các vũ khí nhỏ, thậm chí dùng xe buýt chính phủ chở họ đi.
Trẻ em trong một toa tàu tại nhà ga ở thủ đô Damascus - Syria hôm 7-9. Ảnh: REUTERS
Hàng ngàn người khác, bao gồm gia đình các tay súng và dân thường, đi theo trong khi hàng ngàn người khác nữa tận dụng cơ hội để ở lại xây dựng nhà cửa từ đống gạch vụn. Họ chọn sống dưới sự kiểm soát của chính phủ Syria còn hơn ở trong các thị trấn và làng mạc chưa rũ bỏ nổi chiến tranh.
Xung đột ở Syria chưa bao giờ là cuộc chiến chia đôi đơn giản, giữa một bên ủng hộ và một bên chống đối ông Assad. Hàng triệu người dân chẳng tin tưởng gì cả 2 bên song phải chứng kiến cuộc nổi dậy phi bạo lực dần bị quân sự hóa rồi trở thành một cuộc chiến ủy nhiệm, nơi các thế lực bên ngoài lấy Syria làm chiến trường cho những lợi ích của riêng họ.
Máy bay Nga đã thả truyền đơn kêu gọi quân nổi dậy ở Idlib đầu hàng. Cũng như tại miền Đông Aleppo 2 năm trước, có nhiều báo cáo cho rằng quân nổi dậy trừng phạt những ai nhặt và phát tán truyền đơn hay lan tỏa thông tin rằng thà kiến tạo hòa bình còn hơn chìm đắm trong cuộc chiến không kết quả. Dù đã đến lúc này, phe nổi dậy vẫn chưa từ bỏ hy vọng chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu sẽ trút bom xuống tổng hành dinh của ông Assad ở Damascus.
Một lập luận khác của phe nổi dậy là bất cứ ai đầu hàng, dù là tay súng hay dân thường, cũng sẽ bị lực lượng Syria bắt giữ hoặc giết hại. Ý nghĩ chính quyền Syria sẽ giết những dân thường quay lại với mình có vẻ không mấy thuyết phục. Nhưng kể cả vậy, nỗi lo bị trả thù vẫn không đáng sợ bằng việc tiếp tục sống chung với bom đạn.
Chính phủ Syria nên sớm tuyên bố rõ ràng rằng tất cả quân nổi dậy Idlib nếu đầu hàng sẽ được ân xá (miễn không phải là thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng hay của các chi nhánh al-Qaeda).
Họ cũng sẽ không bị bắt gia nhập quân đội Syria (như từng xảy ra theo những thỏa thuận trước đó), bởi chiến tranh gần như sắp kết thúc và chính phủ không còn cần quá nhiều binh lính. Đổi lại, Anh, Pháp và Mỹ nên thúc ép lực lượng ủy nhiệm của họ đừng cản trở các thỏa thuận đầu hàng.
Với nhiều người Syria, thật khó để thừa nhận cuộc nổi dậy chống lại ông Assad đã thất bại nhưng chối bỏ thực tế này chỉ càng trói buộc Syria vào thống khổ thêm nhiều tháng nữa. Với các chính phủ phương Tây, thật khó để chấp nhận ông Assad đã thắng sau 7 năm liên tục bị gây sức ép từ bỏ quyền lực cũng như không dễ gì thừa nhận sự can thiệp của Nga đã đưa chiến tranh đến hồi kết.