Syria hoang tàn vì chiến tranh, ông Assad tính làm ăn với Trung Quốc

Kiều Anh |

Ngày 16/12, Tổng thống Assad tiết lộ ông đang tính đến việc sẽ tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc để tái thiết Syria.

Tổng thống Bashar al-Assad tiết lộ rằng ông đã có một số cuộc trao đổi với Trung Quốc để bàn về việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa bối cảnh nhà lãnh đạo Syria đang tìm kiếm các khoản hỗ trợ để tái thiết đất nước sau 8 năm nội chiến và Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.

Tổng thống Assad cho biết ông đã đề xuất một số dự án với Bắc Kinh với hy vọng sẽ huy động được một khoản đầu tư nhằm tái thiết Syria.

"Chúng tôi có những lợi ích chung. Sáng kiến đó đem lại lợi ích cho Trung Quốc, Syria và tất cả các quốc gia trong dự án này", kênh Phoenix TV của Trung Quốc cho biết.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đang nỗ lực nối lại mối quan hệ thương mại trong lịch sử với Trung Đông qua sáng kiến Vành đai và Con đường - một dự án đầu tư nước ngoài trị giá 1.000 tỷ USD.

Trung Quốc hiện đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong khu vực khi ký nhiều thỏa thuận với Ai Cập, Qatar, Saudi Arabia và một số quốc gia khác.

Trong khi đó, Syria - một quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ lần đầu tiên được mời tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về Sáng kiến này hồi tháng 4/2019.

"Chúng tôi đã đề xuất khoảng 6 dự án với chính phủ Trung Quốc, phù hợp với các tiêu chí trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Chúng tôi đang chờ đợi để nghe xem họ sẽ thấy dự án nào phù hợp", Tổng thống Assad khẳng định trong một cuộc phỏng vấn ngày 16/12.

Nhà lãnh đạo Syria cũng cho biết thêm: "Tôi cho rằng khi dự án hạ tầng này phát triển, việc con đường tơ lụa đi qua Syria là một kết quả được báo trước bởi đây không phải là một con đường mà bạn chỉ vẽ trên một tấm bản đồ".

Cuộc nội chiến kéo dài hơn 8 năm ở Syria đã khiến nhiều thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia này bị phá hủy nghiêm trọng. Liên Hợp Quốc ước tính thiệt hại của những công trình bị phá hủy này là 388 tỷ USD trong khi tổn thất với GDP của Syria là 268 tỷ USD.

Hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng Syria sẽ cần ít nhất 1 thập kỷ để tái thiết lại những cơ sở hạ tầng bị chiến tranh phá hủy.

EU - nguồn hỗ trợ lớn nhất của Syria đã cảnh báo rằng khối này sẽ chỉ cung cấp các khoản viện trợ để tái thiết Syria nếu có một "sự chuyển giao chính trị" mà theo đó Tổng thống Assad sẽ phải từ chức.

Mỹ cũng áp một số lệnh trừng phạt lên Damascus, đồng thời cảnh báo các cá nhân và thực thể trong ngành vận chuyển rằng nếu họ làm ăn với chính phủ Syria thì tức là đã vi phạm các lệnh trừng phạt này.

Iran, Nga và các đồng minh của Tổng thống Assad đã cung cấp một số gói hỗ trợ tài chính cho Syria để đổi lấy các nguồn tài nguyên và sự hiện diện quân sự lâu dài tại quốc gia Trung Đông này.

Syria đang nỗ lực khuyến khích 6 triệu người tị nạn của nước này hồi hương song quá trình tái thiết sẽ phải bắt đầu thực hiện để có thể cung cấp chỗ ở cho họ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại