Đi hát với Chế Linh không phải để kiếm tiền
Sau tiếng vang từ đêm liveshow chung với ca sĩ Thanh Tuyền tại Hà Nội vào đầu tháng 11, Chế Linh lại bận rộn chuẩn bị cho đêm liveshow riêng "Con đường xưa em đi" diễn ra vào tối 9-12 tới tại Cung Cá heo Hạ Long.
Nam danh ca tâm sự, sau nhiều năm đi hát, âm nhạc đã trở thành hơi thở của mình, vì thế còn có cơ duyên đi hát ngày nào thì với ông, đó là ngày hạnh phúc.
Danh ca Chế Linh
Để gìn giữ đam mê này mà suốt bao nhiêu năm qua, ngày nào cũng vậy, dù có lịch diễn trên sân khấu hay không, Chế Linh vẫn tự "nhốt" mình vào phòng kín để luyện thanh từ hai mươi đến ba mươi ca khúc.
Có lần đi diễn và lưu trú ở một khách sạn nằm ở khu phố cổ, vì ngại việc luyện giọng làm ảnh hưởng đến các phòng xung quanh, ông bèn thuê một chiếc taxi, sau đó nhờ người lái xe đi đâu đó chờ vài tiếng rồi quay lại. Trong thời gian đó, ông một mình ngồi trong xe miệt mài luyện giọng.
Để chuẩn bị cho đêm diễn tại Hạ Long, Chế Linh đã dậy từ sớm, đi bộ ra bờ biển gần nơi mình lưu trú và đứng trước biển để luyện giọng.
Nam danh ca thổ lộ, ông sinh ra ở miền quê nắng gió Phan Rang – nơi người dân vẫn bám rừng, bám biển vươn lên trong cuộc sống, vì thế ông có tình yêu chưa bao giờ nguôi vơi đối với biển.
Đó là lý do mỗi lần hát ca khúc gợi nhớ đến biển như: Biển tình, Tình em biển rộng sông dài…ông đều rất bồi hồi xúc động.
Với Chế Linh, đến thời điểm này, việc đi hát không phải để kiếm tiền mà là để giải tỏa khao khát được đem tiếng hát, đem dòng nhạc vàng đến gần với khán giả.
Cũng chính khao khát ấy đã khiến ông lần nào ra sân khấu cũng có cảm giác hồi hộp và chộn rộn như lần đầu tiên.
Muốn tìm đệ tử truyền dạy mọi kỹ năng
Cũng bởi luôn đau đáu và tâm huyết với nhạc vàng mà đến thời điểm này, Chế Linh dù chưa nghĩ đến chuyện nghỉ hát nhưng thực sự muốn tìm ra người để truyền dần lại những bí quyết đúc kết được sau nhiều năm đi hát.
Nam danh ca cho biết, thỉnh thoảng vẫn có những đồng nghiệp lớp sau tìm đến ông để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm trong nghề hát. Lần nào cũng thế, ông luôn sẵn sàng chia sẻ, động viên và đưa ra những lời khuyên cho họ. Khi đó ông đặt mình vào vị trí người truyền "lửa" nghề chứ không phải ca sĩ.
Người hâm mộ nhận ra và dành tình cảm cho Chế Linh.
Chế Linh khẳng định, có lẽ nhân duyên "thầy – trò" chưa đến nhưng ông chính thức mở cuộc kiếm tìm "đệ tử" - người mà ngoài giọng hát và trình độ văn hóa cơ bản, ông rất muốn sẽ có đạo đức và bản tính hiền hòa.
Nam danh ca quả quyết, điều đầu tiên ông muốn truyền lại cho người học trò chính là lòng say mê và cách nhìn nhận đúng đắn về nghề hát.
Khi được hỏi nhận định về sự trỗi dậy của nhạc vàng trong thời gian gần đây, Chế Linh chia sẻ rất hạnh phúc khi thấy dòng nhạc này được đón nhận ở mọi tầng lớp.
Đặc biệt, có nhiều ca sĩ trẻ bây giờ cũng đi theo dòng nhạc vàng, đó là niềm ao ước lớn nhất của những người đi trước như ông.
Ví như Anh Thơ và Lệ Quyên xuất phát điểm không phải từ nhạc vàng nhưng khi chuyển sang hát các ca khúc ở thể loại này đều thể hiện rất tốt.
"Tôi vẫn nghĩ người có chất giọng tốt, chỉ cần biết nhả chữ, phát âm và đặt cảm xúc của mình vào ca khúc thì sẽ thể hiện tuyệt vời", Chế Linh nói.
Chế Linh mong muốn những người trẻ đam mê với nhạc vàng nên tìm lại những bản thu thanh của các ca sĩ lớp đầu tiên để nghe, học hỏi nhưng không phải để "sao y bản chính" mà tìm ra con đường đi của riêng mình.
Bởi lẽ trên thực tế, các bản nhạc vàng đa phần đều buồn, gắn với kỷ niệm của người viết nên phải hiểu, phải thấm thì hát mới ra.
Theo Chế Linh, nếu nghĩ hát nhạc vàng để dễ đi diễn, kiếm tiền thì không nên đi theo bởi chỉ cần đi một đoạn sẽ thấy chới với và không đủ sức theo.
Trong suy nghĩ của Chế Linh, nghệ thuật cũng như vườn hoa muôn sắc màu, không nhất thiết phải hoa lan, hoa huệ, hoa hồng… mà có cả hoa dại điểm tô.
Vì thế, chúng ta không nên hà khắc khi phân biệt dòng nhạc này hay dòng nhạc khác, giọng hát này hay giọng hát khác, mà hãy cứ để vườn hoa ấy càng phong phú bao nhiêu, càng đem đến cho người thưởng ngoạn nhiều cơ hội lựa chọn bấy nhiêu.