"Súng ống" Nga chinh phục Trung Đông vẫn thua kém "hầu bao đầy ngân lượng" của Trung Quốc?

Mạnh Kiên |

Trong khi Nga, Mỹ thiết lập phạm vi ảnh hưởng ở Trung Đông thông qua quan hệ đối tác ngoại giao và liên minh quân sự, thì Trung Quốc lại thực hiện một cách tiếp cận khác thông qua nguồn tài chính ấn tượng của mình.

Súng ống Nga chinh phục Trung Đông vẫn thua kém hầu bao đầy ngân lượng của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Mua dầu là cách Trung Quốc gây dựng ảnh hưởng ở Trung Đông.

Chiến lược dầu mỏ của Trung Quốc

Cường quốc đến từ Đông Á - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - đã trở thành khách hàng hàng đầu mua dầu từ các quốc gia Ả Rập. Mối quan hệ này cho phép Trung Quốc tạo dựng mối quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực chiến lược mà không cần phải can thiệp vào công việc nội bộ.

Hồi đầu năm nay, sự lan rộng của dịch Covid-19 đã làm đảo lộn chiến lược đầy hứa hẹn của Trung Quốc. Khi du lịch giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch bùng phát, nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc cũng giảm đi.

Trong phần lớn nửa đầu năm nay, các nhà chức trách Trung Quốc đã chặn một loạt các chuyến bay quốc tế để ngăn chặn sự lây lan của virus qua biên giới, khiến du lịch giảm xuống ngưỡng thấp.

Sự suy thoái ngắn hạn đối với nền kinh tế Trung Quốc - kết quả từ việc phong tỏa - cũng đã làm giảm nhu cầu xăng dầu mua từ nước ngoài.

Ở thời điểm hiện tại, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu một lượng lớn xăng dầu trở lại từ Saudi Arabia và các cường quốc năng lượng khác để khởi động quá trình phục hồi kinh tế, thì việc giá dầu giảm do nhu cầu giảm đã khiến các nhà xuất khẩu Trung Đông phải vật lộn tìm đường sống.

Vào tháng 4, giá dầu ở Mỹ đã giảm xuống dưới 0 USD, có nghĩa là người bán phải trả tiền cho khách hàng để mua dầu. Vào tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán rằng ngành năng lượng ở Trung Đông sẽ đánh mất doanh thu 270 tỷ USD.

Trung Quốc có thể tiết kiệm tiền cho nhiên liệu hóa thạch trong ngắn hạn, nhưng mối quan hệ của cường quốc Đông Á với một số siêu cường năng lượng Ả Rập có thể bị ảnh hưởng trong dài hạn.

Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu xăng dầu từ Kuwait, Oman và Saudi Arabia nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Các đối tác từ Trung Quốc cũng đã làm ăn lớn với Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Các quốc gia này được hưởng lợi từ một khách hàng đáng tin cậy trong khi Trung Quốc đổi lại có chỗ đứng đáng kể ở Vịnh Ba Tư.

Ngày nay, ngay cả các quốc gia Ả Rập giàu có nhất cũng đang cảm thấy ảnh hưởng rõ rệt từ sự sụt giảm mua hàng của Trung Quốc. Oman, quốc gia dành phần lớn nguồn thu từ ngành năng lượng để phân bổ phúc lợi cho đất nước giờ đây có thể phải tìm kiếm một gói cứu trợ từ các nước láng giềng vì những hậu quả kinh tế do dịch bệnh.

Các dự án chung mà Trung Quốc thực hiện để mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Trung Đông, ví dụ như một khu công nghiệp do Trung Quốc tài trợ ở thị trấn Duqm của Oman, có thể sẽ tàn lụi trong bối cảnh quan hệ đối tác kinh tế của Trung Quốc trong khu vực ngày càng suy giảm.

Hướng đi khác Nga-Mỹ

Súng ống Nga chinh phục Trung Đông vẫn thua kém hầu bao đầy ngân lượng của Trung Quốc? - Ảnh 2.

Quan hệ Saudi Arabia-Trung Quốc đang có những bước tiến rực rỡ trong vài năm trở lại đây.

Tác động của sự sụt giảm nhu cầu từ Trung Quốc sẽ lan rộng ra cả vùng Vịnh. Trong năm 2018, Trung Quốc tuyên bố là nước mua xăng dầu lớn nhất từ ​​Yemen và là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ hai từ Iraq và Libya.

Mặc dù Saudi Arabia, UAE và các siêu cường năng lượng khác đã dựa vào nguồn xuất khẩu khổng lồ để xây dựng lá chắn tài chính giúp vượt qua đại dịch, nhưng các chu kỳ bạo lực chính trị tái diễn đã khiến Iraq, Libya và Yemen không làm được điều tương tự.

Là nước tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, Trung Quốc không có nhu cầu rõ ràng đối với Iraq, Libya và Yemen. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới luôn có thể tìm kiếm xăng dầu ở những nơi khác.

Tuy nhiên, với tư cách là một cường quốc, Trung Quốc coi thương mại quốc tế như một cách để đại diện cho lợi ích của mình trong các sân khấu địa chính trị mà Iran, Nga, Mỹ và các nước có nguồn lực dồi dào ở Vùng Vịnh từ lâu đã thống trị.

Với sự hiện diện tối thiểu của quân đội Trung Quốc ở Trung Đông, việc mua dầu mang lại cho Trung Quốc một con đường hợp lý hơn để theo đuổi phạm vi ảnh hưởng trong khu vực.

Trung Quốc rút lui khỏi thế giới Ả Rập, điều này sẽ tạo cơ hội cho các nước châu Á khác quan tâm đến việc phát triển sự hiện diện của họ ở Trung Đông.

Ấn Độ đã và đang thực hiện một nỗ lực như vậy. Các quan chức Ấn Độ đang tập trung vào UAE, quốc gia có 60 tỷ USD giao dịch thương mại với Ấn Độ mỗi năm. Nhật Bản và Hàn Quốc, các đối thủ của Trung Quốc và các nhà nhập khẩu xăng dầu lớn từ Trung Đông cũng có thể tạo lợi thế cho họ tại đây.

Trung Quốc vẫn có lợi thế lớn so với các đối thủ châu Á và phương Tây. Các quan chức Trung Quốc đã chuẩn bị trước chính sách đối ngoại với chủ nghĩa không can thiệp.

Trung Quốc kiềm chế không chỉ trích hành động của các quốc gia khác miễn là các quốc gia đó cũng có sự tôn trọng với Trung Quốc. Quan hệ giữa Trung Quốc với Saudi Arabia là ví dụ nổi tiếng nhất.

Không giống như Mỹ, Trung Quốc đã tránh lên án chiến dịch của Saudi Arabia ở Yemen. Về phần mình, Riyadh cũng đánh giá cao các nỗ lực ngoại giao của Bắc Kinh.

Các cuộc can thiệp ngoại giao, quân sự của Nga và Mỹ ở Trung Đông đã giúp cả hai nước tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, nhưng những cuộc phiêu lưu này cũng khiến các quan chức Mỹ và Nga trở thành đối thủ cạnh tranh của nhau. Mặt khác, Trung Quốc nhận thấy rằng có rất ít quốc gia Ả Rập phản đối cách tiếp cận kinh tế của họ.

Cách tiếp cận chính sách đối ngoại kiểu này có thể cho phép Trung Quốc chịu được tác động của dịch bệnh, đồng thời duy trì quan hệ đối tác của họ trong thế giới Ả Rập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại