Thống tướng Min Aung Hlaing tại cuộc duyệt binh ở thủ đô Naypyidaw mừng Ngày các lực lượng vũ trang thường niên hôm 27-3. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo quân đội Myanmar - Thống tướng Min Aung Hlaing nói rằng quân đội sẽ xem xét các đề xuất "sau khi ổn định đất nước", như tín hiệu cho thấy thái độ sau khi lãnh đạo các nước ASEAN đạt được sự đồng thuận 5 điểm về vấn đề Myanmar hôm 24-4.
Sự đồng thuận về 5 điểm gồm chấm dứt hành vi bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên, một đặc phái viên ASEAN sẽ tạo điều kiện cho đối thoại, chấp nhận viện trợ và chuyến thăm Myanmar của phái viên này.
Tờ South China Morning Post dẫn thông báo trên trang web của Bộ Thông tin Myanmar, Hội đồng Hành chính Nhà nước cho biết họ đã chuyển lời tới lãnh đạo ASEAN rằng họ sẽ "xem xét cẩn thận các đề xuất mang tính xây dựng" mà các nhà lãnh đạo trong khu vực đưa ra trong cuộc họp hôm 24-4. Tuy nhiên, Myanmar cho biết ưu tiên lúc này là "duy trì luật pháp và trật tự" và "khôi phục hòa bình và cuộc sống yên ổn".
Tuyên bố cũng cho biết các đề xuất của các nước láng giềng sẽ được "xem xét một cách tích cực nếu ASEAN tạo điều kiện thực hiện". Thống tướng Min Aung Hlaing đã tham dự cuộc họp với lãnh đạo ASEAN và không phản đối việc ASEAN giữ vai trò mang tính xây dựng.
Myanmar rơi vào khủng hoảng kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 2. Các cuộc biểu tình xảy ra trên diện rộng, liên tiếp tại quốc gia Đông Nam Á này khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân chính trị cho biết, đến nay, hơn 750 người thiệt mạng và 3.431 người đã bị giam giữ trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar.
Giao tranh dữ dội ở biên giới Myanmar
Ngày 27-4, giao tranh nổ ra tại một tiền đồn quân đội ở miền Đông Myanmar, gần biên giới Thái Lan. Vụ giao tranh xảy ra khi Liên minh Quốc gia Karen (KNU) - nhóm sắc tộc lớn có vũ trang ở miền Đông Myanmar, phóng hỏa và chiếm đồn quân sự của quân đội.
Theo người phát ngôn Padoh Saw Taw Nee của KNU, các lực lượng của KNU chiếm được tiền đồn của quân đội Myanmar gần biên giới với Thái Lan vào khoảng 5-6 giờ ngày 27-4.
Người phát ngôn Padoh Saw Taw Nee cho biết đồn quân sự này đã bị thiêu rụi, nhóm KNU vẫn đang thống kê số người thương vong. Người phát ngôn cho biết có giao tranh ở các địa điểm khác nhưng không thông tin chi tiết.
Một số nhân chứng nói đã chứng kiến cuộc giao tranh khu vực ven sông Salween. Các video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy đám cháy và khói bốc lên nghi ngút. Các cư dân Thái Lan có quen biết các binh sĩ Myanmar cho biết tiền đồn đã bị bao vây bởi KNU và đã cạn kiệt lương thực những tuần gần đây.
Quân đội Myanmar hiện chưa bình luận về thông tin này.
Lực lượng KNU đã đụng độ với quân đội ở những nơi khác kể từ khi lực lượng này nắm chính quyền sau đảo chính. Ảnh: Reuters