Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng chiều 4/9, ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Thú y cho biết, loại virus H5N1 mới xuất hiện, tuy vẫn thuộc nhánh 2.3.2.1, nhưng có sự khác biệt với những virus 2.3.2.1 (cả nhóm A, B) gây bệnh ở Việt Nam năm 2011.
Nhóm virus này có khả năng khiến dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng trong thời gian tới là rất cao.
Hiện, cả nước còn 7 tỉnh có dịch cúm gia cầm với số gia cầm chết, tiêu hủy lên đến hơn 180.000 con.
Lực lượng cán bộ thú y thu gom đưa gia cầm mắc bệnh cúm A/H5N1 đi tiêu hủy ở một trang trại ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Ảnh: Trí Tín.
Còn theo Trung tâm Chẩn đoán Thú y trung ương, nhóm virus mới xuất hiện từ tháng 7, đến tháng 8 thì lan rất nhanh và rộng suốt một dải từ phía Bắc vào miền Trung. Loại virus mới này tương đối gần với nhóm A, song độc lực cao hơn nhiều.
Hiện, Trung tâm đang chuẩn bị thí nghiệm để kiểm tra tính bảo hộ của vaccine với nhánh này.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Chăn nuôi, việc xuất hiện nhánh virus mới có thể xuất phát từ gà loại thải Trung Quốc. "Gà lậu đi tới đâu thì virus mới xuất hiện ở đó, virus tấn công cả trên đàn vịt và gà", ông Sơn nói.
Tại cuộc làm việc cách đây 2 tuần, Ban chỉ đạo vừa ghi nhận sự xuất hiện của nhóm virus H5N1, giống với chủng virus ở Trung Quốc. Ban chỉ đạo và Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương) nghi ngờ có sự liên quan giữa nạn gia cầm nhập lậu với sự lây lan của chủng virus mới.
Vì vậy, Cục này đã lên kế hoạch, tổ chức các tuyến trinh sát đối với gia cầm nhập lậu từ các tuyến biên giới, đầu nậu, đến các nơi tiêu thụ.