Vụ bé trai 21 tháng tuổi ở Cam Ranh mổ thoái vị bẹn bị bác sỹ cắt nhầm bàng quang; bệnh nhân Hứa Cẩm Tú (ở TP Cần Thơ) bị cắt nhầm hai quả thận tại BV đa khoa Cần Thơ; bệnh nhân Trần Thị Tưởng (51 tuổi, ở Từ Sơn – Bắc Ninh) bị chết lâm sàng khi mổ thanh quản tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội ; gần đây nhất là vụ bệnh nhân Đỗ Ngọc Tranh (SN 1969, ở Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) tử vong do bác sỹ tắc trách dẫn đến sốc phản vệ;… và hàng loạt các kíp mổ bác sỹ để quên dụng cụ mổ trong cơ thể bệnh nhân khiến dư luận phẫn nộ, lo lắng.
Một câu hỏi đặt ra, nguyên nhân sâu sa của những sự cố đau lòng này là do sự chủ quan, tắc trách của người thầy thuốc hay là do năng lực chuyên môn yếu kém sản phẩm của một quá trình đào tạo còn nhiều bất cập và chưa đến nơi đến trốn trong ngành y tế?
PV đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Quốc Kham – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo – Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.
PGS. TS Trần Quốc Kham - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo – Bộ Y tế (Ảnh Thu Lê)
- Thưa PGS.TS Trần Quốc Kham, ông có quan điểm như thế nào trước những sự cố y tế mà báo chí liên tiếp đưa tin trong thời gian vừa qua?
PGS. TS Trần Quốc Kham: Trước tiên, phải khẳng định, đó là những sự cố không ai mong muốn. Bất cứ ngành nghề nào cũng có những tai nạn nghề nghiệp. Tuy nhiên, với ngành y tế, chúng ta cần giảm thiểu đến mức tối đa những sự cố không đáng có ấy bởi nó liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh và y đức của người thầy thuốc.
Hiện nay, những sơ suất không đáng có ấy đã giảm đi rất nhiều so với các thống kê trước đó. Không người thầy thuốc nào chữa trị cho bệnh nhân lại không mong người bệnh nhanh chóng hồi phục. Giảm thiểu tối đa những sơ suất không đáng có trong ngành y tế, đó là y đức…
- Nguyên nhân sâu sa của những sự cố đau lòng này là do sự chủ quan, tắc trách của người thầy thuốc hay là do năng lực chuyên môn yếu kém sản phẩm của một quá trình đào tạo còn nhiều bất cập và chưa đến nơi đến trốn trong ngành y tế, thưa ông?
PGS. TS Trần Quốc Kham: Đó chỉ là những trường hợp tai nạn nghề nghiệp do sự lơ là, chủ quan, tắc trách của người thầy thuốc gây nên. Hay nói chính xác hơn, đó là lỗi chuyên môn của một vài cá nhân y bác sỹ cụ thể. Tôi không đồng ý quy kết những sự cố này thành hệ quả nhãn tiền của quá trình, hệ thống đào tạo y khoa của ta hiện nay.
Về vấn đề này, Cục Khám chữa bệnh sẽ thiết chặt tổ chức, điều hành để quản lí tốt hơn. Về phía đào tạo chúng tôi sẽ cố gắng đào tạo thật tốt, quản lí tổ chức thật tốt để tạo ra chất lượng tốt nhất.
- Thưa ông, những sơ suất này khi được mang ra để quy chiểu trách nhiệm thì bác sỹ phải chịu trách nhiệm như thế nào?
PGS. TS Trần Quốc Kham: Bộ Pháp chế và có những người chịu trách nhiệm liên quan của Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm giải quyết. Tuy nhiên, người trực tiếp gây nên sai sót sẽ phải chịu kỉ luật là điều hiển nhiên trên cơ sở kiểm thảo tử vong để tìm hiểu nguyên nhân.
- Ông đánh giá như thế nào về mặt bằng chất lượng chung của đội ngũ y bác sỹ của ta hiện nay?
PGS. TS Trần Quốc Kham: Trong hệ thống ngành y tế của Việt Nam không thiếu những chuyên gia đầu ngành giỏi. Có thể kể đến như: Khối nội khoa, khối hồi sức cấp cứu, khối tim mạch, khối tai mũi họng, khối sản khoa của Bệnh viện Bạch Mai; ngoại khoa của Bệnh viện Việt Đức; Nhi khoa Việt Nam cũng có rất nhiều những chuyên gia giỏi…
Mặt bằng đội ngũ y bác sỹ của Việt Nam nhìn chung là thích ứng được với nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Tuy nhiên, nếu đem so sánh với thế giới thì chúng ta vẫn còn nhiều thua thiệt, hạn chế cần khắc phục, như: vốn ngoại ngữ của bác sỹ, kinh nghiệm, tay nghề, kỹ thuật, chương trình đào tạo… Tất cả còn nhiều hạn chế.
- Thưa ông, chất lượng đội ngũ y bác sỹ ở các tuyến bệnh viện xã, huyện, tỉnh và Trung ương hiện nay có sự phân tầng như thế nào?
PGS. TS Trần Quốc Kham: Mọi người dân đều có quyền hưởng các dịch vụ y tế như nhau. Mục tiêu của Bộ là hướng đến xây dựng những bệnh viện tuyến cơ sở đáp ứng đầy đủ những tiêu chí kỹ thuật của các bệnh viện hạng 1, hạng 2 nhằm thu hẹp sự cách biệt giữa tuyến cơ sở và tuyến trung ương như hiện nay và cũng là để đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.
Các bệnh viện tuyến trên hiện nay có lợi thế hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ các giáo sư, bác sỹ, chuyên gia y tế đầu ngành. Y bác sỹ làm việc trong các bệnh viện tuyến trung ương có điều kiện được làm việc, trải nghiệm, học hỏi, rèn rũa, nhận sự chỉ bảo của một đội ngũ người kèm cặp, được đào tạo tốt hơn so với các bệnh viện tuyến cơ sở.
Chủ trương của Bộ là hướng đến sự công bằng hóa. Bất cứ đâu có bệnh viện, các tiêu chí và chất lượng khám chữa bệnh phải được đảm bảo như nhau. Bộ Y tế cũng đang có đề án nâng cấp hệ thống bệnh viện tuyến cơ sở để góp phần giảm tải cho tuyến Trung ương.
Liên tiếp những tai biến do sự lơ là, tắc trách của bác sỹ khiến dư luận phẫn nộ, hoang mang
- Xin ông cho biết những thực trạng và những giải pháp trong đào tạo y khoa của Việt Nam đặc biệt là chiến lược đào tạo đội ngũ y bác sỹ chất lượng cao hiện nay?
PGS. TS Trần Quốc Kham: Cái khó nhất của mình hiện nay là chính sách. Một anh bác sỹ học lâu như vậy, sau 6 năm ra trường nhưng bậc lương vẫn thấp như các ngành đào tạo khác. Do đó, không khuyến khích được.
Trong khi thế giới đào tạo bác sỹ tối thiểu 9-10 năm thì Việt Nam mình chỉ có 6 năm. Đào tạo y khoa 6 năm là vẫn hết sức đại cương. Luật khám chữa bệnh của ta ra đời cũng là như vậy. Sinh viên y khoa sau ít nhất 18 tháng công tác tại các cơ sở y tế mới được trực tiếp làm việc độc lập sau khi đã trải qua một quá trình học hỏi kinh nghiệm, rèn rũa, kiểm tra nghiêm khắc…
Đào tạo bác sỹ phải gắn liền với các cơ sở thực hành, đó là hệ thống labo, hệ thống các xúc vật thí nghiệm để sinh viên y khoa thực hành những năm đầu và sau đó là phải có hệ thống bệnh viện. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của các trường còn nhiều khó khăn. Bộ Y tế đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nguồn dự án để hỗ trợ các nhà trường để nâng cấp các cơ sở y khoa thực hành.
Một thực tế nữa là bệnh nhân chọn thầy thuốc khi đi khám chữa bệnh. Do đó, sinh viên y khoa thực tập ít có điều kiện tiếp xúc với bệnh nhân. Đây cũng là một trong những yếu tố gây khó khăn cho công tác đào tạo.
Để khắc phục tình trạng đó, chúng ta phải có những Trung tâm đào tạo kỹ năng trên các mô hình, các bệnh nhân đóng giả. Khi sinh viên đi thực tập là phục vụ bệnh nhân chứ không phải thực hành trên bệnh nhân. Điều đó giải quyết y đức là then chốt.
Quá trình đào tạo y khoa của ta ngắt đoạn, không liên tục. Sau 6 năm học trong trường ĐH, sinh viên y khoa sau khi tốt nghiệp về các bệnh viện, cơ sở y tế công tác rồi mới lại quay lại học tiếp lên các bậc đào tạo cao hơn như, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, nội trú, thạc sỹ, tiến sỹ…
Bộ đang triển khai đề án đào tạo đội ngũ máy cái. Vấn đề thứ hai không kém phần quan trọng đó là đào tạo bác sỹ nội trú. Ôn thi bác sỹ nội trú, bác sỹ phải ôn thi 8 môn, bốc thăm thi 5 môn và trong đó có 3 môn thi cao học. Điều này có nghĩa là đầu vào của đào tạo bác sỹ nội trú rất khắt khe. Những người được thi nội trú, quá trình học tập của họ trong trường đào tạo phải đạt từ tiên tiến trở lên.
Đầu vào của sinh viên y khoa đã là trí tuệ nhưng đầu vào của bác sỹ nội trú lại trí tuệ và đòi hỏi cao hơn rất nhiều. Đó là một quá trình sàng lọc vô cùng nghiêm nghặt và khắt khe. Khi vào học nội trú rồi, bác sỹ được đào tạo 24/24, ở bệnh viện suốt 3 năm học. Họ trưởng thành về kiến thức, về thực hành về kinh nghiệm…
Quan điểm của Bộ là đào tạo liên tục, càng sớm càng tốt. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng quy chế đào tạo chuyên khoa 1, bác sỹ nội trú nối liền với quá trình đào tạo ĐH. 6 năm ĐH cộng với 2 năm của bác sỹ chuyên khoa cấp 1. Như vậy quỹ thời gian đào tạo là 8 năm. 8 năm như vậy chúng ta mới có thể so sánh được với các nước. Hay như 6 năm ĐH cộng với 3 năm đào tạo bác sỹ nội trú. Như vậy tổng thời gian đào tạo là 9 năm thì gần giống với các chương trình đào tạo của các nước. Lộ trình này phù hợp với thực tế đào tạo và phù hợp với luật khám chữa bệnh.
- Trân trọng cảm ơn ông!