Chúng tôi tìm đến khu vườn sầu riêng ở ấp Bầu Tre, xã Bình Sơn, huyện Long Thành, Đồng Nai. Anh Hoa, một chủ vườn ở đây, chỉ dẫn: “Chất làm chín trái cây có bán khắp nơi. Chuối, dứa, mãng cầu, dưa hấu... chỉ cần nhúng sơ qua sau hai ngày là chuyển sang màu vàng, ba ngày là chín đẹp. Ngày thứ tư mà ăn không kịp có khi nó rục, gãy hết luôn”.
Trái nào cũng chín
Ngoài phương pháp nhúng còn có một phương pháp khác khá thủ công hơn là... chích. Anh Bẩu - chủ vườn mít ở xã lộ 25, huyện Thống Nhất, Đồng Nai - cho biết: pha thuốc với một ít nước và dùng ống xylanh chích, một trái mít 10kg sẽ khoảng ba ngày là chín. Khi chích phải gọt cùi cho bằng với mặt vỏ mít thì mới có tác dụng.
Hai loại thuốc đang được sử dụng để làm chín trái cây chứa ethephon - Ảnh: Đức Thiện
Tất nhiên phải lựa loại mít già, độ chín cũng được 7-8 phần thì kết quả chích mới tối ưu. Tuy nhiên, nhiều thương lái không quan tâm đến độ tối ưu của trái mà chỉ cần có đủ hàng để cung cấp cho các công ty. “Họ đem xe đến mua mít già và... chích ngay tại chỗ. Mỗi chiếc xe 10 tấn họ đem theo chừng 3-4 chai là đủ chích toàn bộ” - anh Bẩu cho biết.
Với trái xoài, một số nơi còn có thêm cách xịt thuốc. Ông Đức, chủ vườn xoài ở Tịnh Biên, An Giang, cho biết: “Xoài trung bình bốn tháng mới cho quả chín, nhưng nếu dùng thuốc xịt lên thì chỉ cần khoảng ba tháng mười ngày là trái đã ngả màu vàng, sáng và đẹp. Khi đó, giá bán sẽ cao hơn bình thường 15-20%”.
Theo hướng dẫn của các nhà vườn, chúng tôi tìm đến một số cửa hàng vật tư nông nghiệp ở thị trấn Long Thành, Đồng Nai hỏi mua “chất làm chín trái cây”.
Các cửa hàng đều có sẵn lượng hàng khá lớn được bày bán công khai. Hóa chất được đựng trong các chai nhựa 500ml với những cái tên: Sada, Trái Chín. Mỗi chai có giá bán chỉ 35.000 đồng. Các loại thuốc đều dễ dàng tìm thấy ở các vùng “vựa trái cây” như: Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Đồng Nai...
Theo hướng dẫn sử dụng trên các chai thuốc này, người dùng chỉ cần pha 10-25ml hóa chất với 1 lít nước rồi nhúng trái cây xanh (trái cần chín) như: xoài, mít, chuối, cam, quýt, bưởi, sầu riêng, nho, chôm chôm, sapôchê, thanh long. Sau 15-20 phút để khô, ủ chín. Đối với trái cà phê, tiêu xanh sau khi hái có thể phun sương lên bề mặt trái...
Muốn làm tiêu trắng, người ta chỉ việc ngâm tiêu xanh 3-4 ngày rồi đem ra chà vỏ là thành tiêu trắng. Anh Hoa tiết lộ: “Một bình hóa chất 500ml có thể sử dụng cho khoảng 5 tấn trái cây phổ biến, còn với mít chỉ được khoảng 1,5 tấn”.
Trong khi đó, anh Khôi, một đầu mối thu gom củ quả khu vực Đơn Dương, Lâm Đồng, cho biết đối với những loại trái cây vận chuyển đi xa, khi thu hoạch anh và nhiều thương lái khác thường để trái xanh, cứng cho dễ vận chuyển. Khi củ quả đến chợ đầu mối, điểm phân phối, những nơi này sẽ sử dụng hóa chất để làm chín.
Một thương lái phân phối khoảng 5 tấn chuối mỗi ngày ở khu vực Biên Hòa, Đồng Nai, sau khi phân loại, cắt nhánh, buổi tối trước khi phân phối sẽ nhúng chuối vào dung dịch thúc chín. Loại thuốc này mua ở chợ Kim Biên, TPHCM, thường được đóng trong can nhựa 30 lít và ông cũng không rõ thuốc gì.
Chưa rõ độc hại
Theo TS Phạm Văn Tấn - phó giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, Bộ NN&PTNT, để làm trái cây chín đồng loạt người ta dùng ethylene, acetylene và ethephon. Thế giới sử dụng ethylene vì chất này không độc, nhưng hóa chất này đắt tiền hơn acetylene và ethephon. Acetylene đã bị cấm sử dụng ở nhiều quốc gia nhưng Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Việt Nam và một số nước khác vẫn dùng rộng rãi. Dân dã quen gọi acetylene là “khí đá”, được sinh ra từ phản ứng của đất đèn calcium carbide (CaC2) với nước.
Đất đèn có chứa hợp chất của hydro với phosphorus rất độc, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người trong một thời gian dài. Nếu tiếp xúc với khí acetylene ở nồng độ trên 33% có thể bị ngất xỉu.
Các triệu chứng của ngộ độc acetylene thường là khát nước, khó nuốt, cảm thấy yếu, ói mửa đôi khi có máu, cảm giác ngứa ngáy ở miệng, cổ họng hay mũi; cảm giác cháy rát da và có thể làm hỏng mắt vĩnh viễn... Ethephon cũng có tác dụng và tác hại tương tự acetylene. Nhưng do trái cây xông bằng khí ethephon thường bảo quản được lâu hơn so với khí acetylene sinh ra từ đất đèn nên người ta thích dùng ethephon hơn.
TS Trần Ngọc Quyển, Viện Công nghệ hóa học TPHCM, cho biết ethephon đã bị cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ xếp vào danh mục độc chất loại 1 vì thử nghiệm cho kết quả gây kích ứng da.
Tuy nhiên, hiện trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại hóa chất khác nhau. Ngay cả một số nhà khoa học cũng không biết rõ về các loại hóa chất này.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, TS Tấn cho biết các nước tiên tiến trên thế giới hiện không dùng hóa chất trên nông sản, nếu có thì chỉ dùng những hóa chất đã qua thời gian thử nghiệm và có báo cáo chính thức rằng nếu dùng đúng định lượng, giới hạn thì không gây ảnh hưởng đến con người hoặc môi trường.
Khó nhận biết!
Mặc dù là người trong nghề nhưng anh Hoa khẳng định: “Rất khó nhận biết trái cây chín do dùng thuốc ngâm, người dân đi mua chắc chắn không bao giờ biết được. Chẳng hạn như sầu riêng sau khi ngâm thuốc gai sẽ chuyển từ màu xanh sang màu vàng, nhưng phải từ ngày thứ năm mới nhận ra được...”.
Nói về tác động của các loại hóa chất này, một nông dân cho biết: “Mình chưa biết nó độc hại thế nào nhưng có nghe bên bảo vệ thực vật nói rằng khi làm phải mang mắt kính, đeo khẩu trang để bảo vệ”.
Theo Hồng Nhung, Đức Thiện
Tuổi Trẻ