Thông tin được Sở Y tế Hà Nội thông báo tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy tổ chức ngày 21/2.
Các ca bệnh ghi nhận xuất hiện rải rác ở quận Hai Bà Trưng, Hà Đông, các huyện Mê Linh, Hoài Đức. Mỗi ổ dịch không phát hiện bệnh nhân thứ 2.
Bệnh viêm não mô cầu dễ lây lan. Ảnh: Nam Phương
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, viêm não mô cầu không phải là bệnh mới, hàng năm thành phố vẫn ghi nhận dưới 10 ca mắc. Các ca bệnh thường rải rác, không tập trung thành ổ dịch lớn.
“Tỷ lệ tử vong của bệnh rất cao, như trong năm 2011 thành phố có 3 ca mắc thì có đến 2 trường hợp tử vong. Bệnh cũng khó phát hiện sớm vì biểu hiện ban đầu như viêm họng thông thường nhưng diễn biến cấp tính, có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, biến chứng não, thậm chí tử vong”, ông Cảm nói.
Các chuyên gia khuyến cáo, tỷ lệ nguời lành mang trùng rất lớn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ người lành mang vi khuẩn não mô cầu có thể lên tới 35%. Bình thường, ở những người khỏe mạnh, vi khuẩn gây não mô cầu có thể nằm sẵn trong họng nhưng không có hiểu hiện bệnh lý.
Bệnh xảy ra quanh năm và tăng cao vào mùa xuân, do yếu tố thời tiết mưa, ẩm, lạnh dễ làm giảm sức đề kháng. Đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn đang nằm sẵn trong họng gây bệnh. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với các hạt nước bọt và dịch tiết mũi họng của bệnh nhân.
Vì thế, để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường... Những người viêm đường hô hấp trên cần đeo khẩu trang, khi ho phải che miệng bằng khăn, bằng giấy. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với người nghi bị viêm đường hô hấp, đặc biệt là trẻ em.
Khi có các biểu hiện như: sốt, đau họng, cổ cứng, xuất hiện tử ban trên da (ban màu tím, thâm đen), nôn, đau đầu dữ dội… cần đến ngay cơ sở y tế.
Theo Nam Phương
VnExpress