Trẻ tự kỷ bị “kì thị” từ bậc mầm non

Thu Lê |

(Soha.vn) - Mất cả chục triệu đồng "lót tay" xin học mầm non cho con nhưng chỉ hai tháng sau bé N.N.Th đã bị trả về với lý do “trường không nhận trẻ tự kỷ”.

Đó là trường hợp của bé N.N.Th (4 tuổi, ở Minh Khai – Hà Nội). Phải vất vả lắm chị Thương (mẹ bé Th) mới xin học được cho cậu con trai đầu lòng 4 tuổi nhưng vẫn chưa biết bập bẹ nói năng. Thế nhưng, học ở trường nào bé Th cũng chỉ “lưu trú” được nhiều nhất 2 tháng là bị nhà trường trả về với lý do “cháu không thể hòa nhập”.

Năm Th 3 tuổi, chị Thương mới cho con đi mẫu giáo, vì thương con không biết nói, hay đau ốm nên không yên tâm gửi con quá sớm. Gần 1 năm nay, bé Th đã hơn 5 lần phải chuyển trường từ trường mầm non quốc lập đúng tuyến sang trường trái tuyến đến các trường mầm non tư thục, quốc tế,…

Chị Thương chia sẻ: “Tôi sinh cháu ra bụ bẫm, kháu khỉnh như bao đứa trẻ khác. Cháu hoàn toàn khỏe mạnh bình thường nhưng không hiểu sao lại chậm nói và hầu như không bao giờ cười với bố mẹ. Năm cháu được hơn 2 tuổi, vợ chồng tôi đưa con đi khám thì bác sĩ bảo cháu có biểu hiện của bệnh tự kỷ.

Quá lo lắng, tôi bàn tính với chồng, nghỉ làm ở nhà để chăm con và đưa con đi chữa trị tại các trung tâm dành cho trẻ tự kỷ. 4 tuổi, con người ta nói năng lưu loát còn con mình thì vẫn chỉ bập bẹ được vài câu đơn giản và lúc nào cũng lầm lũi, chẳng bao giờ cười với bố mẹ…”

Càng lớn chứng tự kỷ của bé Th càng nặng. Không chỉ không biết nói, Th còn thường xuyên la hét, đập phá đồ đạc,… và hầu như không có bất cứ sự giao tiếp nào với người thân trong gia đình.

“Gia đình bên nội, bên ngoại không có ai bị bệnh này nên chắc chắn không phải là di truyền. Thấy con như vậy thương lắm! Khổ nhất là thằng bé đã đến tuổi đi học mẫu giáo để hòa nhập với trường lớp, bạn bè mà xin học khó quá! Đưa con đến đâu họ cũng từ chối không nhận trẻ tự kỷ. Cái trường vừa trả cháu về, vợ chồng tôi phải nhờ người quen lo lót cả chục triệu đồng đấy chứ… Thương con mà chẳng biết làm sao nữa,” chị Thương rẫu rĩ nói.

Trẻ tự kỷ cần được phát hiện và điều trị trước 2 tuổi để có thể phát triển bình thường (Ảnh Internet - minh họa)

Bé Trần Thanh Nam (Thanh Xuân - Hà Nội) cũng được chẩn đoán mắc bệnh tăng động, giảm chú ý, tự kỷ nhẹ từ khi 3 tuổi. Nam sống thu mình, không thích giao tiếp và thường xuyên la hét vô cớ nên đi đến đâu cũng bị các trường từ chối nhận vào học.

Vừa rồi, Nam may mắn được một trường mầm non tư thục nhận vào học nhưng cũng chẳng được bao lâu vì Nam không thể hòa nhập và luôn bị bạn bè bắt nạt, trêu trọc.

Chị Thanh, mẹ của bé Nam cho biết: “Gia đình chủ quan chỉ nghĩ cháu chậm nói và hơi mất tập trung với xung quanh nên đã không đưa cháu đi điều trị sớm. Nay thì bệnh của cháu đã nặng hơn, chẳng trường mầm non nào dám nhận cháu vào học. Sắp tới, vợ chồng tôi tính xin cho cháu vào Trung tâm Sao mai dành cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển để chữa trị và học tập. Mong rằng, cháu sẽ khá lên…”

Chia sẻ tại Hội thảo Quốc gia về hội chứng rối loạn phổ tự kỷ do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức vào sáng nay (12-3), Th.s Nguyễn Thu Hà (Khoa Tâm bệnh), Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ở Việt Nam hầu hết số trẻ bị bệnh tự kỷ đều phát hiện rất muộn.

Năm 2000, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM có 2 trẻ được chẩn đoán tự kỷ thì đến năm 2008 có đến 324 trẻ mắc bệnh tự kỷ. Điều đáng nói hơn, đại đa số trẻ tự kỷ được chẩn đoán khi đã quá 2 tuổi. Điều này có nghĩa, việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều bởi trẻ tự kỷ chỉ có cơ hội phát triển bình thường khi được phát hiện trước 2 tuổi.

Chẩn đoán tự kỷ rất phức tạp

Cũng tại Hội thảo, TS Nguyễn Thị Hương Giang (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, không có thuốc điều trị khỏi bệnh tự kỷ mà chỉ có thuốc giảm tăng động, tăng chú ý, giảm tính hung hăng, điều trị cảm xúc và tăng tính tập trung.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, chẩn đoán bệnh tự kỷ rất phức tạp. Trẻ bị tự kỷ thường có những biểu hiện như: Không đáp ứng với nụ cười hoặc biểu lộ sự vui tươi lúc 6 tháng tuổi; không bắt chước âm thanh hay biểu lộ nét mặt lúc 9 tháng; không bập bẹ, chỉ bằng ngón trỏ hay vẫy tay lúc 12 tháng; không nói được từ đơn lúc 16 tháng, từ đôi lúc 24 tháng; mất ngôn ngữ và kỹ năng xã hội đáng lẽ đã thành thục ở lứa tuổi đó... Đối với trẻ có các dấu hiệu “báo động sớm” của bệnh tự kỷ, gia đình cần đưa trẻ đi khám và điều trị sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Trẻ bị bệnh tự kỷ thường biểu hiện khi 7-8 tháng tuổi. Hiện việc điều trị cho trẻ tự kỷ mang ý nghĩa nâng đỡ, giúp trẻ đa dạng hóa kỹ năng, tự chăm sóc bản thân và dễ hòa nhập hơn. Tuy nhiên, trẻ bị bệnh tự kỷ được can thiệp sớm sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn.

Tuy nhiên, cần ít nhất 6 tháng khám, bao gồm các công đoạn như khai thác kỹ tình trạng và những biểu hiện của trẻ từ lúc mới sinh, theo dõi trẻ, thực hiện các bài test và khám kỹ nhiều lần thì mới có thể đưa ra kết luận.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi cha mẹ thấy con có biểu hiện lạ về ngôn ngữ, hành vi nên đi khám ngay để được can thiệp sớm. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên thường xuyên cho con đi khám và đánh giá theo định kỳ, phối hợp với các nhà chuyên môn vì chẩn đoán đúng và phát hiện sớm rất có ích cho trẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại