Điều này đồng nghĩa kíp trực đẻ đêm giao thừa gồm 16 bác sĩ, hộ lí, hộ sinh của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ phải căng như dây đàn và tất bật suốt đêm để đón những công dân đầu tiên của năm 2013 chào đời an toàn.
Đêm giao thừa 31/12, trước thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, PV đã có mặt tại khoa đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để ghi nhận về một kíp trực đẻ đêm giao thừa. Có đến tận nơi, tận mắt chứng kiến kíp trực đẻ gồm 16 bác sĩ, hộ lí, hộ sinh, điều dưỡng ở đây làm việc mới hiểu hết được những vất vả, khối lượng công việc cũng như áp lực tâm lí trong lĩnh vực sản khoa với người thầy thuốc là như thế nào.
Kíp trực đẻ đêm giao thừa 31/12/2012 của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Ảnh Thu Lê)
Trách nhiệm khiến chúng tôi “yêu” nghề
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đào Lan Hương – khoa hỗ trợ sinh sản, người chịu trách nhiệm chính của kíp trực đẻ đêm giao thừa 31/12/2012 cho biết: “Tính đến thời khắc này, khoa đẻ A2 của chúng tôi đang có hơn 20 sản phụ chờ đẻ thường và đẻ mổ. Thông thường đên nào cũng có những sản phụ nhập viện vào lúc rạng sáng. Do đó, số lượng sản phụ luôn có sự biến động.
Nếu để so sánh với những ngày thường và những dịp lễ tết khác trong năm thì đêm nay không được xét là đêm cao điểm. Tuy nhiên, số lượng sản phụ nhập viện, cần theo dõi thường xuyên, xử lí gấp liên tục luôn có sự biến động và gia tăng khiến cho tất cả các thành viên trong kíp trực đều phải làm việc liên tục, hết công suất.
Trực đêm là công việc thường xuyên của chúng tôi không kể bất kể dịp lễ tết nào trong năm và phải hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất vì nó liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người…”
Một đêm trực đẻ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được bắt đầu từ 19h hôm trước đến 7h sáng ngày hôm sau. Mỗi kíp trực gồm 16 người, có 5-6 bác sĩ còn lại là hộ sinh và điều dưỡng. Đã như một sự lập trình sẵn, mỗi người đảm nhận một công việc và phải có trách nhiệm để cả kíp trực vận hành ăn ý và hoàn thành tốt nhất công việc.
Đồng hồ đang đếm lùi từng phút để điểm chuông thời khắc giao thừa chuyển giao năm mới, bên ngoài lành lanh khoa đẻ A2, những sản phụ đang chờ sinh vẫn cố lê từng bước chân đi lại vận động chờ cơn đau chuyển dạ. Trong phòng đẻ, hơn chục sản phụ đang vật vã với cơn đau vượt cạn.
Mỗi tiếng khóc vang lên lại kèm theo những tiếng cười hoan hỉ của kíp trực sinh cùng nụ cười hạnh phúc của người mẹ vượt cạn thành công. Bên ngoài phòng chờ, những ông bố trẻ đang thấp thỏm từng giây, từng phút ngóng tin vợ con sau cánh cửa phòng đẻ để rồi họ được "vỡ òa" niềm hạnh phúc khi đón đứa con thơ chào đời an toàn.
Mỗi tiếng khóc vang lên lại kèm theo những tiếng cười hoan hỉ của kíp trực sinh cùng nụ cười hạnh phúc của người mẹ vượt cạn thành công (Ảnh Thu Lê)
Bác sĩ Mạch Văn Trường – bác sĩ cọc 2 của kíp trực đêm giao thừa 31/12/2012 chia sẻ: “Bình quân 1 ca trực đêm, kíp trực của chúng tôi phải đảm bảo cho 50 ca chuyển dạ sinh, mổ “mẹ tròn con vuông”. Với ca ngày thì số lượng vượt lên khoảng 70 ca. Một bác sĩ cọc 2 phải đảm nhiệm từ 9-10 ca mổ đẻ ở một ca trực. Áp lực công việc căng thẳng khiến nhiều y bác sĩ có cảm giác stress nhưng không thể vì thế mà cho phép mình được lơ là vì sản khoa rất dễ xảy ra những tai biến ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và trẻ…”
“Lúc mới ra trường đi làm, đi trực đêm giao thừ cũng thấy buồn và tủi thân khi bạn bè được thả sức vui chơi, sum vầy bên gia đình. Nhưng làm riết thành quen. Trách nhiệm khiến mình yêu và gắn bó hơn với công việc. Mỗi ca chuyển dạ đẻ, mổ “mẹ tròn con vuông” là một niềm vui, hạnh phúc khiến mình yêu cái nghề của mình hơn lúc nào. Nhiều khi ngồi suy nghĩ, thấy không gì hạnh phúc hơn khi đón năm mới bằng những tiếng khóc chào đời của trẻ thơ…”, bác sỹ Trường tâm sự.
"Mỗi lần đón tay một em bé cất tiếng khóc chào đời, nhìn những nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc, ánh mắt biết ơn,… chúng tôi như có thêm động lực để làm việc. Tết nhất đi trực nhiều cũng thấy “bão hòa” tâm trạng…- hộ lí Nguyễn Hương Giang" (Ảnh Thu Lê)
Trực tết nhiều, tâm trạng cũng “bão hòa”
Hộ lí Nguyễn Hương Giang – hộ sinh trưởng tua trực đêm giao thừa 31/12, người đã có thâm niên gắn bó với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội gần 25 năm nay bộc bạch: “Mỗi ngành nghề đều có một đặc thù riêng, niềm vui, nỗi buồn riêng. Sản khoa trong y khoa lại càng đặc thù. Chúng tôi không chỉ có trách nhiệm đỡ đẻ mà còn chịu áp lực phải đảm bảo sức khỏe cho mẹ và em bé sau khi sinh nở. Môi trường sản khoa cũng là một lĩnh vực rất nhạy cảm và đặc thù. Không có cái tâm, không muốn gắn bó với cái nghề mình đã chọn thì khó lòng mà làm tốt…”
“Hồi trẻ còn suốt ngày xung phong đi trực đêm, chắc là cũng qua gần 20 ca trực đêm giao thừa, các ngày lễ, ngày nghỉ trong năm thì không còn đếm xuể. Đồng nghiệp nào có việc đột suất, việc gia đình, con cái ốm đau,… nhờ là sẵn sàng trực thay. Làm không phải vì 30.000 đồng phí trực đêm mà là cái tâm với cái nghề mình đã chọn. Mỗi lần đón tay một em bé cất tiếng khóc chào đời, nhìn những nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc, ánh mắt biết ơn,… chúng tôi như có thêm động lực để làm việc. Tết nhất đi trực nhiều cũng thấy “bão hòa” tâm trạng…”, hộ lí Nguyễn Hương Giang nói.
Theo các bác sĩ và hộ lí của kíp trực đẻ đêm giao thừa, năm nay không có trường hợp sản phụ nào đăng kí chọn giờ đẹp để sinh mổ. Lí giải hiện tượng này, hộ lí Nguyễn Hương Giang cho hay: “Dân trí ngày càng cao, việc tin vào bói toán cũng đã bắt đầu hạn chế đi. Hơn nữa, những thời khắc đặc biệt thiêng liêng như đêm giao thừa, người ta chỉ muốn được sum họp, quây quần bên gia đình, ai đến kì sinh nở thì mới phải đi viện thôi…”