Trong một nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Da liễu, các nhà khoa học Thụy Điển đã theo dõi hơn 800 phụ nữ khỏe mạnh trong hơn 6 năm và thấy rằng họ rụng tóc nhiều nhất trong những tháng mùa thu. Nhưng mùa thu không phải là nguyên nhân duy nhất khiến tóc rụng bất thường.
Thiếu sắt
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của việc rụng tóc. Hầu hết chất sắt lưu trữ trong cơ thể liên quan tới ferritin - một protein giúp cho việc sản xuất các tế bào tóc và ngăn ngừa rụng tóc. Hiện tượng thiếu sắt chủ yếu do chế độ ăn uống, thời kỳ kinh nguyệt và sinh con (vì mất máu). Rụng tóc từ 40 đến 120 sợi một ngày là bình thường, nhưng nếu nhiều hơn là bất thường, vì thế có thể kiểm tra xem có phải thiếu máu do thiếu sắt hay không. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là chất tannin trong trà xanh có thể ngăn chặn việc hấp thu sắt, vì vậy không uống trà trong bữa ăn hoặc trong lúc dùng thuốc bổ sung sắt.
Bệnh về da
Chứng nổi vảy trên da đầu người có thể gây rụng tóc. Đây là bệnh liên quan đến eczema nhưng có thể bị nhầm lẫn với bệnh vẩy nến. Cũng giống như bệnh vẩy nến, các lớp vảy chồng chéo lên nhau, dính vào da đầu và quấn quanh chân tóc. Chúng dần dần đầu độc chân tóc gây rụng tóc, khi có thuốc điều trị, tóc sẽ mọc lại.
Tuyến giáp có vấn đề
Một trong những vai trò của tuyến giáp là điều chỉnh các quá trình của cơ thể, chẳng hạn như sự trao đổi chất. Tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc yếu kém đều có thể làm tóc mỏng đi. Nó đặc biệt phổ biến ở những gia đình có tiền sử bệnh này hoặc phụ nữ vừa sinh con. Thông thường, tóc sẽ "nghỉ ngơi" trong ba tháng trước khi rụng. Khi cơ thể có vấn đề về tuyến giáp, chu kỳ đó bị xáo trộn, thường là rút ngắn chỉ còn một vài tuần, tóc rụng sớm hơn.
Thuốc tránh thai
Tất cả các thuốc tránh thai có chứa progestogen, kích thích tố tổng hợp tạo ra hiệu ứng tương tự như hormon progesterone tự nhiên cần thiết để giúp ngăn chặn trứng thụ tinh. Một số loại progestogen tốt cho tóc, nhưng có những thành phần có tác dụng giống như nội tiết tố nam. Minh chứng rõ ràng hơn là sự suy giảm estrogen ở tuổi mãn kinh có thể gây ra chứng hói đầu ở phụ nữ, bởi khi đó kích thích tố nam testosterone trong cơ thể chiếm ưu thế hơn.
Thừa cân
Thừa cân, béo phì có nguy cơ của hội chứng chuyển hóa cơ bản, tức là tiền thân của bệnh tiểu đường type 2. Người thừa cân thì mức insulin của họ cao hơn. Khi đó, mức insulin cao ở phụ nữ có thể kích hoạt testosterone, tăng nguy cơ hói đầu. Ngược lại, ăn kiêng quá mức cũng có thể gây “tai nạn” cho tóc. Có bằng chứng cho thấy, người ta có thể ăn nhiều protein và sắt nhưng lại thiếu năng lượng - tức là lượng calo và đường thì tóc cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đó là bởi vì nếu não bộ hoặc các cơ quan quan trọng khác không đủ năng lượng, nó thường huy động từ nguồn không cần thiết, chẳng hạn như tóc và móng tay.
Lo lắng, căng thẳng
Căng thẳng có thể dẫn đến một loại rụng tóc được gọi là teleogen effluvium - buộc những sợi tóc rơi vào tình trạng nghỉ ngơi trước chu kỳ. Căng thẳng mãn tính cũng có thể đẩy hệ thống miễn dịch làm việc quá sức khiến cho tế bào bạch cầu tấn công nang tóc. Ví dụ dễ thấy nhất là tại New Zealand, tỷ lệ phụ nữ Christchurch bị rụng tóc đã tăng gấp ba lần sau thảm họa động đất hồi tháng 2-2011. Nguyên nhân là họ bị căng thẳng mãn tính, kết hợp với sốc, từ đó dẫn đến rụng tóc.
Theo ANTĐ