Nghiên cứu này không chứng minh rằng tốc độ ăn nhất thiết gây tăng cân ở phụ nữ song các nhà nghiên cứu tin rằng nó có thể ảnh hưởng tới lượng thức ăn mà họ tiêu thụ.
Các nhà nghiên cứu đã gửi phiếu khảo sát qua đường bưu điện tới 2.500 phụ nữ New Zealand độ tuổi từ 40 – 50. Những phụ nữ này được hỏi về tốc độ ăn, chiều cao, cân nặng và các yếu tố khác về lối sống và sức khỏe.
Nhóm nghiên cứu đã nhận được phản hồi từ 1.600 phụ nữ. Khoảng ½ số phụ nữ cho biết họ có tốc độ ăn trung bình. 1/3 số phụ nữ thuộc nhóm ăn nhanh hoặc rất nhanh và khoảng 15% số phụ nữ có tốc độ ăn chậm hoặc rất chậm.
Các nhà nghiên cứu đã báo cáo trên tạp chí Journal of the American Dietetic Association rằng phụ nữ thuộc nhóm ăn chậm nhất cũng có chỉ số khối cơ thể thấp nhất. BMI trung bình tăng 2,8% với mỗi mức tăng về tốc độ ăn.
Tiến sĩ Horwath thuộc Trường Đại học Otago cho biết: “Mức độ liên quan cho thấy nếu xác nhận đây là mối quan hệ nhân quả thì việc giảm tốc độ ăn có thể là một phương pháp có triển vọng để ngăn ngừa tăng cân và giúp giảm BMI một cách có ý nghĩa trong các chương trình quản lý cân nặng”.
Theo ANTĐ