Hà Nội vẫn ít người biết
Dược sĩ Nguyễn Lan, cửa hàng thuốc đông y gia truyền ở số 2B Thể Giao, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nói: gần 30 năm trong nghề nhưng đây là lần đầu tiên bà nghe đến tên dược liệu này. Rồi bà chỉ sang dược sĩ Hiểu, số 7 Thể Giao - nơi bán buôn, bán lẻ dược liệu lớn nhất nhì miền Bắc hiện nay.
Đến nơi, tôi cũng nhận được từ dược sĩ Vũ Thị Hiểu ánh mắt ngạc nhiên khi chưa bao giờ chị nghe thấy tên thuốc này. Thấy tôi tỏ vẻ thất vọng, dược sĩ Hiểu “hứa”: sẽ nhờ hệ thống bạn hàng cùng bán thuốc đông y tìm mua hộ (!?).
Tiếp tục đảo qua Phòng chẩn trị Nguyễn Khang (số 10 phố Thể Giao); Nhà thuốc đông y Thế Mỹ (số 8 phố Thể Giao), Nhà thuốc Lan Anh (8B phố Thuốc Bắc) hay Nhà thuốc đông y Thanh Bạch (số 8 phố Khâm Thiên, Hà Nội) và một số đại lý thuốc đông y lớn trên địa bàn Hà Nội, ai cũng bảo: lần đầu tiên nghe tên loại dược liệu này.
Duy có lương y Trần Minh Khang, ở phố Thuốc Bắc, tỏ ra biết chút ít khi thông tin: "Theo y văn, xáo tam phân có kích thước đường kính chỉ từ 3 đến 8cm, vỏ màu vàng nhạt, có rất nhiều gai dài và nhọn. Khi chặt hái, người ta róc bỏ những gai này rồi phơi khô, băm thành từng lát. Để đề phòng cây giả, khi mua nên mua nguyên thân, cành, chú ý quan sát những dấu gai đã róc bỏ trên thân cây. Trước khi sắc lấy nước uống, nên sao (rang) cho vàng để loại bỏ cyanuahydrid, là một chất độc thường thấy trong cây họ gỗ".
Chỉ có tác dụng trên chuột
Để làm rõ tính năng cây xáo tam phân, chúng tôi đã cầm một số mẫu mang đến Viện Dược liệu (Bộ Y tế) nhờ phân tích.
Hàng ngàn người dân đang nhầm tin vào thần dược: Xáo tam phân
Là người trực tiếp nghiên cứu tính năng của cây xáo tam phân, TS Phạm Thị Nguyệt Hằng, Phó trưởng khoa Dược lý Sinh hóa, Viện Dược liệu rất ngạc nhiên khi Viện Dược liệu chưa tìm ra tính năng chữa bệnh của cây này đối với con người thế mà đã có hàng ngàn người dân Khánh Hòa tin là “thần dược”.
TS Hằng nói: Xáo tam phân có tên khoa học Paramignya trimera , có nhiều ở vùng Nam Trung bộ và một phần Tây Nguyên. Nó được nhiều người biết đến khoảng 5 tháng trở lại đây khi xuất hiện tin đồn "thần dược". Đưa vào phân tích thì thấy xáo tam phân có các thành phần: flavonoid, saponin, alcaoid, courmarin và triterpenoid.
Theo kết quả nghiên cứu bước đầu, flavonoid là một nhóm hợp chất thường gặp trong thực vật, và trong nhiều loại rau quả dùng hàng ngày. Trong cây, flavonoid giữ vai trò là chất bảo vệ, chống oxy hóa, bảo tồn acid ascorbic trong tế bào, ngăn cản một số tác nhân gây hại cho cây (vi khuẩn, virus, côn trùng). Phần lớn các flavonoid có màu vàng - và đó là lý do vì sao xáo tam phân khi nấu lên cho ra nước màu vàng nhạt...
Ngoài ra còn có những chất màu xanh, tím, đỏ hoặc không màu. Các nghiên cứu cho thấy flavonoid có tác dụng bảo vệ cơ thể, ngăn ngừa xơ vữa động mạnh, tai biến mạch máu não, lão hóa, thoái hóa gan, tổn thương do bức xạ. Flavonoid làm bền thành mạch, được dùng trong các trường hợp rối loạn chức năng tĩnh mạnh, trĩ, rối loạn tuần hoàn võng mạc. Nó còn có tác dụng chống độc, làm giảm thương tổn gan, bảo vệ chức năng gan, lợi tiểu.
Còn saponin là một trong những thành phần chính của nhân sâm, là hoạt chất chính tạo nên những công dụng của nhân sâm. Sâm càng có nhiều thành phần này càng tốt. Những nghiên cứu của y học thế giới đã cho thấy một số bằng chứng hữu ích trong hoạt động sinh học, và đã được chấp thuận để sử dụng như một loại dược phẩm y tế.
Với triterpenoid thì nghiên cứu của Viện Hóa dược châu Âu cho thấy nó có tác dụng rõ rệt trong điều trị bệnh tiểu đường, xơ gan, viêm gan cấp và ung thư gan. “Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả từ tài liệu của thế giới, chưa được kiểm định tại Việt Nam” - TS Hằng khẳng định.
Cũng theo TS Hằng, đây là kết quả của nhóm nghiên cứu Viện Dược liệu tiến hành trên chuột. Muốn biết cây thuốc này có tác dụng đối với con người không cần phải tiếp tục nghiên cứu, thậm chí trong khoảng thời gian hàng chục năm nữa mới được.
Trước khi chia tay, TS Hằng khuyên: Tất cả loại cây có thể chữa bệnh đều phải cần sự kiểm định của cơ quan chuyên môn. Khi chưa có bất kỳ xác nhận chính thức nào thì người dân không nên nghe mọi lời tin đồn để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Và theo quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn thử thuốc trên lâm sàng, Sở Y tế Khánh Hòa phải tiếp tục chờ kết quả từ Bộ Y tế và các cơ quan chức năng hướng dẫn những bước cần thiết nhằm khẳng định tác dụng điều trị trên người của cây thuốc này. Trước khi có kết luận thì Sở Y tế, UBND tỉnh Khánh Hòa cần có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng khai thác bừa bãi để bảo vệ nguồn gen và phát triển loại cây dược liệu này.