Thuốc trị sốt rét giả tràn ngập Đông Nam Á

lananh |

Thuốc trị sốt rét giả và kém chất lượng đang dẫn tới tình trạng bệnh kháng thuốc ở một số nước Đông Nam Á.

Tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu các nước trong khu vực không kịp có biện pháp kiểm soát hiệu quả.

Một đối tượng trong đường dây buôn thuốc giả các loại xuyên biên giới Đông Nam Á bị bắt hồi cuối năm 2009 - Ảnh: Interpol.int

Tháng 11/2011, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng báo động về tình trạng bệnh sốt rét kháng thuốc lan rộng ở biên giới Campuchia - Thái Lan với ca đầu tiên được phát hiện vào năm 2009. Hiện tượng này đang có nguy cơ lan đến Myanmar.“Hiện tượng kháng thuốc đối với hầu hết thuốc chữa trị sốt rét mạnh nhất đang tăng nhanh ở các nước Đông Nam Á” - bà Regina Rabinovich, giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm Quỹ Bill and Melinda Gates, nhận định.

Nghiên cứu của nhà khoa học Roger Bate thuộc Viện Kinh doanh Mỹ cho biết khoảng 50% thuốc trị sốt rét ở Đông Nam Á không đạt chất lượng do chứa rất ít hoạt chất trị sốt rét artemisinin. “Các loại thuốc giả góp phần trực tiếp vào hiện tượng kháng thuốc” - ông Bate nhấn mạnh.

Không cách nào ngăn chặn!

Các chuyên gia khẳng định thuốc trị sốt rét giả và kém chất lượng đang trở thành một vấn đề nhức nhối. Theo WHO, mỗi năm bệnh sốt rét cướp đi sinh mạng của 860.000 người trên thế giới, nhất là ở Đông Nam Á. Trong khi đó, bất chấp các cảnh báo của giới khoa học, các chính phủ khu vực này lại chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn dòng thuốc trị sốt rét kém chất lượng khổng lồ xâm nhập qua biên giới và lưu hành tràn lan trên thị trường khu vực.

Điều nguy hiểm là các loại thuốc này được sử dụng phổ biến và hợp pháp. Từ năm 2006, lực lượng cảnh sát xuyên quốc gia đã bắt giữ 1.513 trường hợp buôn bán thuốc giả ở 99 quốc gia. Có 68% thuốc trị sốt rét ở các nước Lào, Việt Nam, Campuchia được phát hiện là dỏm và kém chất lượng. Đến nay, nhiều nhà thuốc ở các nước Đông Nam Á vẫn đang bán thuốc trị sốt rét giả.

Đầu tháng 12-2011, Viện Dân chủ và kinh tế Malaysia (IDEAS) đã kêu gọi châu Á cần hành động nhanh để kết thúc vấn nạn dược phẩm giả đang hoành hành tại khu vực Đông Nam Á. Tiến sĩ Helmy Haja Mydin thuộc IDEAS trụ sở ở London cho rằng đây không chỉ là vấn đề sống còn của một quốc gia, một khu vực mà còn là của toàn thế giới. Nghiên cứu do tiến sĩ Helmy và mạng chính sách quốc tế ở London thực hiện cho rằng lượng thuốc giả được sản xuất và tiêu thụ những năm gần đây là mối đe dọa lớn nhất đối với cộng đồng quốc tế.

Cảnh sát Jakarta, Indonesia tiêu hủy tân dược giả - Ảnh: Jakarta Post

Nguồn gốc Trung Quốc Báo Scientistlive dẫn lời giới chuyên gia nhận định thuốc trị sốt rét giả đang gây nguy hiểm cho hàng trăm ngàn người ở Đông Nam Á. Điều tra của Tổ chức Cảnh sát chống tội phạm quốc tế (Interpol) khẳng định vấn nạn thuốc trị sốt rét giả đã xuất hiện và hoành hành ở Đông Nam Á từ năm 1998. Thế nhưng hơn 20 năm qua, vấn nạn này không giảm mà đang có chiều hướng gia tăng.

Theo Interpol, hơn 50% thuốc trị sốt rét đang được lưu hành ở Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar, khu vực biên giới Lào - Myanmar đều là thuốc giả. Các loại thuốc này đều không chứa hoạt chất trị sốt rét, thậm chí còn chứa độc tố bị cấm trong ngành dược phẩm, hay chứa chất sản xuất thuốc lắc.

Thống kê của WHO cho biết thuốc giả hiện chiếm 10% thị trường dược phẩm thế giới và tăng 25% ở các nước kém phát triển. Doanh thu từ việc bán thuốc giả năm 2010 là 75 tỉ USD, tăng hơn 90% kể từ năm 2005. Song theo tiến sĩ Helmy, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi còn nhiều đường dây ngầm sản xuất kinh doanh loại thuốc này ở các nước Đông Nam Á vẫn chưa bị phát hiện.

Các nhà điều tra cho biết phần lớn thuốc trị sốt rét dỏm ở khu vực Đông Nam Á có xuất xứ từ Trung Quốc. Năm 2006, cảnh sát đã bắt giữ một nghi can sản xuất và tiêu thụ thuốc trị sốt rét dỏm ở Vân Nam. Nghi can này đang vận chuyển 2.880.000 viên thuốc trị sốt rét dỏm, đủ để điều trị cho 250.000 người.

“Đây chỉ là một phần nhỏ trong thế giới ngầm buôn bán thuốc trị sốt rét giả ở châu Á” - tiến sĩ Paul Newton thuộc Chương trình nghiên cứu thuốc nhiệt đới châu Á của Đại học Oxford nhận định.

Theo Mỹ Loan

Tuổi Trẻ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại