Không tin tưởng về trình độ của bác sĩ trong nước, không hài lòng về môi trường và cơ sở vật chất của bệnh viện nội, ngày càng nhiều bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí gấp 10 - 100 lần. Tuy nhiên, có không ít bệnh nhân rơi vào cảnh… tiền mất tật mang, và vẫn phải quay về nước điều trị tiếp.
Trường hợp điển hình là chị Trang người Hà Nội, mang thai đứa con đầu lòng đã quyết định sang Singapore thực hiện ca mổ đẻ bởi trước đó khi đi khám sản khoa, các bác sĩ trong nước đã chẩn đoán chị sẽ phải cắt tử cung vì nhau thai cài răng lược. Nhưng, với hy vọng giữ được tử cung, chị Trang đã tìm đến bệnh viện chuyên về sản khoa ở Singapore.
Sau ca phẫu thuật kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ, một em bé bụ bẫm nặng 3,3 kg chào đời. Tuy nhiên, để giữ tính mạng cho bệnh nhân, các thầy thuốc ở đây vẫn phải tiến hành cắt tử cung của chị. Tổng chi phí cho đợt điều trị này hết khoảng 1,3 tỷ đồng.
Ngày thứ 3 sau mổ, chị Trang đã bị phù, suy thận. Sau khi khám lại, các bác sĩ xác định chị đã bị tổn thương thận và niệu quản. Các bác sĩ đặt ống dẫn lưu cho nước tiểu bài tiết ra ngoài.
Một tháng sau chị lại sang Singapore để khám, kết quả kiểm tra lần này cho thấy, chị đã bị bác sĩ mổ đẻ khâu và cắt vào niệu quản. Sau đó, chị được chuyển sang cơ sở y tế chuyên khoa về tiết niệu, nhưng các bác sĩ chuyên khoa hẹn phải 3 tháng sau mới mổ lại được và chi phí cho ca phẫu thuật này là khoảng 500 triệu đồng.
Quay trở về Việt Nam, chị Trang đã quyết định đi khám ở một bệnh viện uy tín. Phim chụp cắt lớp cho thấy niệu quản trái của chị bị mất một đoạn sát bàng quang. Kíp mổ tại bệnh viện này đã nối thành công niệu quản với bàng quang cho chị Trang. Hiện tại thì chị Trang đã tin tưởng vào tay nghề của các bác sĩ nội.
Thời gian gần đây ở nước ta đang rầm rộ phong trào đi du lịch chữa bệnh tại Hàn Quốc. Với lời quảng cáo các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, làm đẹp, khám chữa bệnh, các ưu đãi dành cho du khách khi tham gia các chương trình du lịch đến Hàn Quốc thì chị Thủy đã lựa chọn một chuyến du lịch và thực hiện ca phẫu thuật độn cằm với chi phí gần 400 triệu đồng.
Tưởng rằng sẽ được sở hữu một khuôn mặt ưng ý khi bỏ ra số tiền lớn như vậy. Nhưng chị đã thất vọng khi ca phẫu thuật không thành công, cằm chị không được như ý muốn mà chị còn bị dị với chất độn cằm. Đẹp chẳng thấy đâu cuối cùng chị rước thêm bệnh vào người.
Nhiều người chạy theo xu hướng này đã tốn cả núi tiền mà không đâu vào đâu. Không thể phủ nhận rằng với một số người có hiệu quả nhưng cũng phải lưu ý rằng dù chữa bệnh ở đâu thì bạn cũng nên tìm hiểu kĩ về bệnh viện và bác sĩ nào sẽ làm phẫu thuật cho mình, không lại rước họa vào thân.
Hiện nay có rất nhiều bệnh nhân bị ung thư đã tìm cách ra nước ngoài điều trị với chi phí có thể lên tới hàng tỷ đồng, gấp hàng 100 lần với chi phí ở trong nước. Trong khi đó, trình độ BS sĩ cũng như trang thiết bị ở các BV đầu ngành ở Việt Nan không thua kém gì các nước trong khu vực. Tuy nhiên, điều mà chúng ta chưa làm được là cơ sở vật chất, môi trường BV cũng như cách tiếp đón bệnh nhân chuyên nghiệp.