Chị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) là người rất hay bị nhiệt. Bình thường chị đã có "máu nóng", tức là cứ hễ ăn đồ có tính nóng là bị nhiệt. Vậy nên chị rất chú ý giữ gìn trong ăn uống, tránh tuyệt đối các thực phẩm có tính kích thích và các thực phẩm bị coi là "dễ gây nhiệt miệng ". Đặc biệt, đến gần Tết chị càng chú ý hơn, vì nếu bị nhiệt, chị sẽ vừa khó chịu, vừa khó khăn trong ăn uống, lại gây cảm giác chán nản.
Nhiệt miệng (còn gọi là lở loét miệng) là chứng bệnh không gây ra nguy hiểm nhưng rất hay gặp ở nhiều người và ở tất cả các lứa tuổi, kể cả nam giới hoặc nữ giới. Nhiều người cho rằng nhiệt miệng là do nóng trong người hay do ăn phải những đồ “nóng” như các loại quả mít, xoài…
Nhưng theo y học hiện đại thì chứng lở miệng (tổn thương ở niêm mạc miệng) có rất nhiều nguyên nhân như gây nên, bao gồm: do răng sâu, viêm quanh răng, viêm quanh chóp răng, viêm tủy răng... hoặc do những sang chấn từ bên ngoài; do nhiễm vi khuẩn, virus, do sự phản ứng của khoang miệng với thành phần hóa học nào đó, chế độ ăn thiếu axit folic ở phụ nữ mang thai...
Phụ nữ mắc chứng bệnh này nhiều hơn nam giới, đặc biệt là trước thời kì kinh nguyệt. Tính khởi phát của bệnh có liên quan đến lượng estrogen (Estrogen được các tế bào hạt của buồng trứng tiết ra, được gọi là nội tiết tố nữ), một khi lượng estrogen giảm, rất dễ mắc bệnh loét miệng.
Những người bị stress nặng và liên tục thì mức độ lở miệng cũng xảy ra nhiều hơn. Bệnh nhiệt miệng thường xuất hiện ở lưỡi, lợi, phần giữa dưới lưỡi và răng. Nhiệt miệng có thể xuất hiện một nốt hoặc thành các cụm nhỏ trên bề mặt.
Khi bị nhiệt miệng , người bệnh thường gặp khó khăn trong ăn uống vì đau, xót và rát. Người bị nhiệt miệng có khi còn phải chịu những ảnh hưởng kèm theo như mất ngủ, rối loạn tiêu hóa . Những nốt nhiệt miệng rất dễ vỡ, để lại những vết loét nông ở niêm mạc miệng. Những vết loét này có đặc điểm có bờ rõ rệt, dưới đáy vết loét có màu vàng nhạt.
Hầu hết các vết loét sẽ tự khỏi mà không cần điều trị, tuy nhiên, khi bị nhiệt, người bệnh cần chăm sóc, vệ sinh vết thương đúng cách, nếu không, vết loét có thể dẫn tới bị viêm cấp, phải đến viện để các bác sĩ xử lý.
Phòng tránh nhiệt miệng:
Nhiệt miệng là bệnh lành tính. Vết lở tự lành, không để lại sẹo. Vì đặc điểm lành tính này nên thông thường ít ai nghĩ đến chuyện “phòng bệnh”. Điều này vô tình càng làm tăng nguy cơ bị nhiệt. Để tránh bị nhiệt miệng , ảnh hưởng đến chuyện ăn uống, vui vẻ trong ngày Tết, bạn nên lưu ý những điều sau đây:
- Uống nhiều nước
- Hạn chế ăn các đồ ăn có chứa gia vị cay, nóng như (ớt, tiêu, gừng...)
- Ăn nhạt
- Hạn chế ăn các thực phẩm có tính nhiệt
Tăng cường bổ sung rau quả, các thực phẩm có yếu tố vi lượng như vitamin C, PP, vitamin B2 để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể
Ngoài ra, trong mọi trường hợp nhiệt miệng , yếu tố được đặt lên hàng đầu là cần tăng cường vệ sinh răng miệng để tránh bội nhiễm, hạn chế diễn biến xấu. Người bệnh được khuyên sử dụng những loại kem đánh răng có tinh chất chiết xuất từ thiên nhiên để tránh gây ảnh hưởng đến niêm mạc miệng, đồng thời làm “mát” từ bên trong miệng.
Sau một tuần mà không thấy tình trạng nhiệt miệng giảm, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.