Đang là mùa sinh sản kiến ba khoang
Thời gian qua, nhiều người dân ở TP.HCM, Hà Nội, Huế… phản ánh trong nhà xuất hiện kiến ba khoang, khi chạm vào kiến, da bị sưng, rát. Nhiều người muốn tìm cách diệt.
Về hiện tượng sưng đau sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang, Tiến sĩ
Nguyễn Xuân Quang, trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - ký sinh trùng -
côn trùng Quy Nhơn khẳng định miệng kiến ba khoang có thể cắn nhưng
không gây sưng, tấy cho người. Lý do nhiều người bị sưng tấy là do tiếp
xúc, chà xát với thân kiến. Do trên cơ thể loài kiến này có vi khuẩn
cộng sinh có chứa chất độc nên khi con người tiếp xúc, chà xát vào kiến
và gãi sẽ bị nhiễm chất độc này.
Kiến ba khoang.
Sau 1-3 ngày xuất hiện các mụn nước trên da đỏ, lấm tấm sau đó xuất hiện bọng nước và bọng mủ (giai đoạn này rất dễ nhầm với các tổn thương như zona, thủy đậu hoặc các mụn virus khác).
Con cái có độc tố pederin (còn gọi là cantharidin, thuộc loại alkaloid) trong một đôi tuyến ở cuối bụng dùng để bảo vệ trứng khi đẻ khỏi bị các loài thiên địch khác tấn công. Cho nên nếu con vật bị chà xát hay chạm mạnh thì độc tố có thể tiết ra ngoài, dính vào da người làm có cảm giác cháy da, đau đớn.
Trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố có tên Pederin (C24H43O9N), có độc tính gấp 12 – 15 lần nọc rắn hổ. Pederin có trong máu con vật. Khi con vật đã chết khô và để trong 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại.
Pederin có tính xuyên thấm qua da. Pederin là độc chất tự nhiên có hiệu lực như chất chống ung thư và virus. Trên con vật kiến ba khoang, pederin là chất để phòng vệ chống lại động vật ăn chúng như nhện. Pederin không được tạo ra từ bản thân mà do vi khuẩn nội cộng sinh trong chúng là pseudomonas aeruginosa.
Khi ta giết chết kiến ba khoang trên vùng da mình, pederin tiếp xúc với da, sau đó nó gây viêm da nặng. Nếu ta không rửa tay ngay vô tình sẽ làm dính pederin vào chỗ khác.
Vì vậy, TS Quang tư vấn: Khi gặp kiến ba khoang, cần tập trung chúng lại, tiêu diệt và đổ vào thùng rác nhưng tuyệt đối không được tiếp xúc. Nếu lỡ tiếp xúc với kiến ba khoang, cần rửa ngay tay bằng nước xà phòng. Nếu nặng, cần đến gặp bác sĩ.
Để phòng tránh tiếp xúc với kiến ba khoang, nếu nhà ở khu gần cánh đồng nên dùng cửa lưới, hạn chế ánh sáng gần cửa sổ, đóng cửa nếu cần. Đêm ngủ nên dùng màn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Quang, loài này thường xuất hiện vào mùa thu, thời gian vào dịp thu hoạch vụ mùa lúa, với mật độ nhiều hơn so với các tháng trong năm. Kiến ba khoang sống ở ngoài đồng, bờ, bụi. Chúng đẻ trứng trên lá cây.
Lý giải tại sao loài kiến này có thể xuất hiện ở những chung cư cao tầng, TS Quang phân tích: Bản thân loài kiến này bị thu hút bởi ánh sáng đèn vào buổi tối. Hơn nữa, nhờ sức gió nhất là ở những vùng đất trống, gần cánh đồng, gió sẽ giúp kiến ba khoang bay được lên cao và vào nhà dân ở những tầng trên cao.
Năm nay, tình trạng kiến ba khoang bay vào nhà dân bùng phát, theo TS Quang, có thể do hiện nay, con người dùng quá nhiều loại thuốc trừ sâu hại, rầy nâu nên những sinh vật này kháng thuốc và phát triển mạnh, từ đó, nguồn thức ăn cho kiến ba khoang dồi dào nên kiến càng phát triển mạnh.
Sau khi bay vào nhà cao tầng, kiến ba khoang sẽ rụng cánh và ở lại luôn trong nhà đó.
Chung quan điểm trên, trả lời báo giới, TS. Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết: “Thời điểm này kiến ba đang vào mùa sinh sản, thời tiết ẩm ướt tạo điều kiện cho kiến ba khoang sinh sôi. Thực chất kiến ba khoang xuất hiện từ rất lâu”.
Có nên tiêu diệt kiến ba khoang?
Nhiều gia đình khi thấy kiến ba khoang xuất hiện trong nhà nên quá lo lắng liền gọi người đến phun thuốc diệt.
Một nhân viên thuộc công ty cung cấp dịch vụ diệt kiến ba khoang ở Cầu Giấy, Hà Nội giới thiệu: “Công ty tôi đang nhận phun thuốc diệt kiến ba khoang cho mấy trường mầm non ở Trung Hòa, Nhân Chính. Thuốc của chúng tôi không độc hại”.
Kiến ba khoang gây viêm da khi tiếp xúc.
Khi được hỏi tên loại thuốc diệt kiến ba khoang, nhân viên này chỉ nói: “Đây là thuốc do chúng tôi trộn từ nhiều loại khác nhau. Thuốc sẽ được phun theo chân tường. Với diện tích 110m2, bảo hành kiến không quay lại trong vòng 2 tháng giá 800 ngàn đồng, bảo hành 3 tháng giá 950 ngàn đồng”.
TS Nguyễn Xuân Quang cho rằng, kiến ba khoang ăn côn trùng, sâu bọ, rầy nâu nên là loài có ích và không phải là đối tượng cần tiêu diệt.
Nếu có dùng thuốc diệt côn trùng thì cũng khó diệt tận gốc vì chỉ diệt được những con kiến đang có trong nhà. Vì tổ kiến thường ở ngoài đồng…
Tuy nhiên, nếu quá nhiều, có thể dùng thuốc FENDONA 10SC (Alpha permethrin 10%) thuốc phun diệt côn trùng muỗi, dán… để diệt.