Ngày 3/1, cháu Vi Thị Ơn (6 tháng tuổi, xã Châu Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) được đưa đến Viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng tổn thương bỏng 50%, bỏng vùng mặt, tay chân, nặng nhất ở đùi phải và nguy hiểm nhất là bỏng vùng miệng họng, các bác sĩ đang rất lo ngại bé bị bỏng hô hấp.
Bà Trần Thị Khuyên, bà nội cháu cho biết, tai nạn xảy ra vào chiều tối ngày 2/1. Để giữ ấm cho trẻ trong thời tiết giá buốt, mẹ bé Ơn đã đốt than củi để dưới gầm giường sưởi cho con. Khi con ngủ say, chị tranh thủ ra ngoài vườn làm cỏ, còn ông bà nội thì đang đi làm nương vắng. Đang làm ngoài vườn, nghe tiếng con khóc thét, chị vội chạy vào thì thấy giường, chăn, chiếu đều đang cháy.
Bé hoảng loạn khuya tay chân, khóc thét giữa ngọn lửa cháy bùng. Vội vàng lao đến giường lôi con ra khỏi đám cháy, chị đưa con đến trạm y tế được sơ cứu và chuyển tiếp xuống Bệnh viện Nhi Nghệ An. Đánh giá tình trạng bỏng nặng nề, đe dọa tính mạng, bé Ơn đã được chuyển ra Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội).
Đã có nhiều tai nạn thương tâm bỏng do sưởi ấm bằng than.
TS Nguyễn Viết Lượng, trưởng phòng tổng hợp (Viện bỏng quốc gia) cho biết, năm nào vào mùa rét, Viện Bỏng cũng tiếp nhận bệnh nhân bị bỏng do sưởi ấm. Trong đó chủ yếu là bỏng nhiệt do đốt than, củi sưởi ấm.
“Đốt than củi sưởi ấm rất nguy hiểm. Vì trẻ có thể ngã vào đống lửa, hoặc gây tình trạng than nóng lâu, bén vào giường gỗ, đệm, chăn (đều là những vật dụng dễ cháy) gây bỏng cho người nằm trên giường (chủ yếu là trẻ con, bé bị cháy mà không chủ động được để chạy khỏi đám cháy). Ngoài ra, trong phòng kín, việc dùng than, than củi sưởi ẩm sản sinh khí độc CO, CO2 có thể khiến mọi người ngất, tử vong vì hít phải khí độc này”, một bác sĩ cảnh báo.
Vì thế, để giữ ấm cho trẻ, quan trọng nhất là ở trong phòng kín gió, mặc áo, quần nhiều lớp cho trẻ. Trong trường hợp không có đủ áo dày, ấm thì có thể mặc nhiều lớp áo mỏng cũng có tác dụng giữ ấm, giữ nhiệt rất tốt, thậm chí 3 cái áo mỏng giữ nhiệt còn tốt hơn một chiếc áo dày. Không nên dùng than, than củi sởi ấm để phòng các nguy cơ trên.