Theo số liệu được TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) công bố, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 39.897 trường hợp mắc SXH tại 52 tỉnh thành, trong đó có 26 ca tử vong. Bệnh nhân mắc SXH đã tăng 35,3%, nhiều tỉnh tại khu vực phía Nam như: Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Phước, Bình Thuận, Phú Yên, Sóc Trăng… số ca bệnh đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đa phần các trường hợp tử vong do nhập viện quá trễ
Các trường hợp tử vong do SXH đều nhập viện muộn, được chẩn đoán ở mức độ nặng tập trung vào đối tượng trẻ dưới 15 tuổi. Các bệnh nhân hầu hết được điều trị tại bệnh viện tuyến huyện, xã, phòng khám tư nhân trước khi chuyển lên tuyến trên. 100% các ca này đều trong tình trạng nặng, hôn mê và xuất huyết nặng, suy đa tạng, tử vong sau 1 tuần điều trị.
Tuy nhiên, việc phòng và dập dịch đang vấp phải nhiều khó khăn rất lớn. BS Lê Bích Liên, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Hầu hết các trường hợp SXH được chuyển đến bệnh viện đều trong tình trạng rất nặng. Tuy nhiên, thời gian qua việc cung ứng dịch truyền đặc biệt là dịch cao phân tử đã bị đứt hàng, bệnh viện Nhi Đồng 1 đang gặp khó khăn trong công tác đảm bảo đủ dịch truyền cho việc điều trị các bệnh nhi mắc SXH”.
Trẻ em là đối tượng chính của bệnh sốt xuất huyết
Bên cạnh công tác điều trị, việc phòng chống cũng thiếu hụt kinh phí “Đã bước sang quý III nhưng nhiều địa phương chưa nhận được kinh phí phòng chống SXH từ trên rót xuống”. TS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pastuer TPHCM cho biết.
Trước vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: “Năm nay rất tiếc chương trình quốc gia mục tiêu về vấn đề SXH chậm… rất chậm. Chúng tôi phải họp nhiều, họp để lấy ý kiến của Bộ kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban các vấn đề xã hội, Ủy ban Ngân sách Tài chính rồi đến Ủy ban Kinh tế… Cứ họp miết để thẩm định, đến lúc duyệt xong được Quốc hội thông qua thì đã là tháng 6".
Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải chủ động phân phối và có nguồn ngân sách riêng cho công tác phòng chống SXH hoặc tạm ứng trước kinh phí tránh trường hợp bị động do chờ kinh phí từ trên.