Trước thông tin về loại amip ăn não người có khả năng gây tử vong cao khiến người dân lo lắng, TS. Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến loại amíp này.
Không lây từ người sang người
- Xin ông cho biết bản chất của amip ăn não người là gì? Nó có giống và khác gì với các loại amip thông thường đang lưu hành hay không?
Naegleria fowleri mà người dân hay gọi là “amip ăn não người” là một loại đơn bào sống tự dưỡng trong môi trường nước ngọt (hồ, sông, công trình chứa nước nhân tạo...) và trong đất, đặc biệt là những khu vực có nhiệt độ ấm.
Amip ăn não người giống với một số loại amíp thông thường khác là chúng cùng là loại đơn bào và có hình thái khá giống nhau nên khó phân biệt được bằng kính hiển vi thông thường. Một số loại amip khác cũng có thể gây bệnh ở người với nhiều mức độ khác nhau từ rất nhẹ không cần phải điều trị đến gây áp xe ở ruột, gan, phổi, não.
Khác với các loại amip thông thường khác, đơn bào Naegleria fowleri chủ yếu ký sinh ở não.
- Cơ chế xâm nhập và gây bệnh cho người của loại amip ăn não này thế nào? Bệnh có lây từ người sang người không hoặc có khả năng phát triển thành dịch không, thưa ông?
Đơn bào Naegleria fowleri xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi, theo dây thần kinh khứu giác và xâm nhập vào não. Ở não, chúng ăn các tế bào não và gây áp xe não.
Do hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên tỷ lệ tử vong khi bị áp xe não do Naegleria fowlerilà rất cao (khoảng 99%).
Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào về việc lây truyền từ người sang người.
Hơn nữa, không phải ai nhiễm Naegleria fowleri cũng bị mắc bệnh. Đặt biển cảnh báo ở khu vực phát hiện có amip
- Hiện nay, Việt Nam đã có nghiên cứu nào về tỷ lệ hoặc vùng lưu hành của loại amíp này chưa? Theo ông, về mặt dự phòng, chúng ta nên cảnh báo ở mức độ nào để người dân nắm được tình hình về bệnh mà vẫn không hoang mang, lo lắng?
Hiện nước ta chưa có nghiên cứu nào về loại đơn bào này.
Tuy nhiên, qua 2 trường hợp mới phát hiện ở nước ta, việc giám sát và tìm hiểu rõ hơn về sự lưu hành của Naegleria fowleri tại nước ta là cần thiết, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xây dựng các đề tài nghiên cứu cũng như tăng cường giám sát đánh giá sự lưu hành của loại đơn bào này.
Với những đặc tính của đơn bào Naegleria fowleri mà các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện, không phải trường hợp nào nhiễm đơn bào này cũng bị mắc bệnh và số trường hợp mắc ghi nhận trên thế giới cũng rất ít.
Những khu vực phát hiện có đơn bào Naegleria fowleri, Bộ Y tế sẽ yêu cầu đặt biển cảnh báo để người dân biết và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp.- Hiện nay, ngoài thông tin cho rằng người bệnh nhiễm amip do tiếp xúc với các nguồn nước ngọt tự nhiên có nguy cơ cao (hồ bơi không được khử khuẩn, ao hồ sông suối ấm nóng, ...) thì một luồng thông tin khác cho rằng amip này tồn tại trong không khí rồi xâm nhập cơ thể (như những nghi ngờ từ sau ca tử vong thứ 2, vì trường hợp này liệt nằm một chỗ tại nhà cả năm nay). Vậy ông có thể đưa ra thông tin cụ thể nào về điều này?
Đơn bào Naegleria fowleri có thể tìm thấy ở các nguồn nước ngọt bị ô nhiễm hoặc trong đất, tuy nhiên việc lây nhiễm vào cơ thể người mới được xác nhận là qua đường tiếp xúc với nước bị nhiễm bẩn, có thể do lúc bơi lội hoặc rửa mũi bằng nước bị nhiễm bẩn, không tiệt trùng.
Các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đều không đề cập đến sự tồn tại của đơn bào Naegleria fowleri trong không khí cũng như chưa ghi nhận trường hợp nào bị mắc bệnh này do lây truyền qua đường không khí.
- Đến nay, Cục Y tế dự phòng có khuyến cáo mới nhất nào liên quan đến loại amip này?
Để phòng, chống nhiễm đơn bào Naegleria fowleri, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không nên tắm, bơi ở những bể bơi có nguồn nước chưa được xử lý, đối với những người phải làm việc, bơi ở những ao, hồ, suối cần hạn chế tối đa nước vào mũi và sau đó nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi.
Nếu dùng nước để rửa mũi, phải sử dụng nước đảm bảo tiệt trùng, tuyệt đối không dùng nước ao, hồ, sông, suối. Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.