Sáng nay, đại diện Bệnh viện FV cho biết ban giám đốc cùng bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Mai Trung Kiên đã làm việc với gia đình bệnh nhân hôm 18/8, thừa nhận có sai sót và giải thích "trong ngành y việc phạm phải sai lầm là khó tránh khỏi". Bệnh viện cũng nói lời xin lỗi và bày tỏ "chịu trách nhiệm với gia đình".
"Chúng tôi sẽ họp hội đồng y khoa về toàn bộ diễn biến sự việc và kết luận chính thức", đại diện bệnh viện cho biết.
Ngày 15/8, chị Mai Thị Thu Trang - con gái bệnh nhân Kiên, đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, tố cáo bác sĩ Bệnh viện FV chẩn đoán sai và chậm xử trí khiến ông Mai Trung Kiên tử vong.
Trong đơn, chị Trang cho rằng cái chết của người cha sinh năm 1955 là oan uổng và lỗi chính thuộc về bác sĩ Lê Đức Tuấn làm việc tại Khoa Ngoại, Bệnh viện FV (quận 7, TP HCM).
Theo trình bày của gia đình, tối 7/8 ông Kiên đau bụng nên gia đình đưa vào Khoa cấp cứu của Bệnh viện FV. Sau khi khám, bác sĩ kết luận bệnh nhân viêm ruột thừa, chỉ định mổ. Gia đình đã thông báo với bệnh viện là ông Kiên có tiền sử bệnh tim và đang điều trị bằng thuốc chống đông máu. Bệnh nhân được bác sĩ Tuấn mổ vào chiều 8/8. Sau ca mổ kéo dài 2 tiếng đồng hồ, bác sĩ Tuấn báo cho gia đình là phẫu thuật thành công.
Hai ngày sau khi mổ, ông Kiên đau bụng và đau ngực tăng dần. Gia đình báo với bác sĩ và yêu cầu được kiểm tra. Bác sĩ không xét nghiệm, chỉ lấy máu để kiểm tra men tim, kết luận bệnh nhân có triệu chứng nhồi máu cơ tim và chuyển sang Bệnh viện tim Tâm Đức đêm 11/8.
Xét nghiệm của Tâm Đức cho thấy các chỉ số tim của bệnh nhân Kiên bình thường, không nhồi máu cơ tim. Kết quả siêu âm cũng cho thấy bệnh nhân bị chảy máu trong do vết mổ ruột thừa và nguy kịch vì thiếu máu trầm trọng.
Theo con gái bệnh nhân, gia đình nhiều lần cầu cứu bác sĩ Tuấn sang bệnh viện Tâm Đức để phối hợp điều trị cho ông Kiên nhưng vị này từ chối với lý do "đã cử người sang rồi". Chỉ đến khi được nhân viên báo bệnh nhân nguy kịch do vết mổ ruột thừa thì bác sĩ Tuấn mới sang Tâm Đức và yêu cầu chuyển ông Kiên về lại bệnh viện FV.
Hồ sơ điều trị tại Bệnh viện FV của ông Mai Trung Kiên. Ảnh: Thiên Chương.
Ngay trong đêm, bệnh nhân được chuyển về FV, gia đình đề nghị bác sĩ Tuấn mổ mở để xử lý triệt để. Bác sĩ cho biết bệnh nhân đang được truyền máu và chờ được xử lý, song người nhà vừa trao đổi xong thì phát hiện tim ông Kiên đã ngừng đập.
“Trước khi vào viện bố tôi vẫn khỏe mạnh, chỉ bị đau bụng. Sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện FV, bố qua đời trong khi gia đình không nhận được lời giải thích nào từ bệnh viện về nguyên nhân dẫn đến tử vong”, con gái bệnh nhân bức xúc và đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vụ việc.
Hôm 15/8, đại diện Bệnh viện tim Tâm Đức khẳng định kết quả xét nghiệm, siêu âm khi tiếp nhận cấp cứu ngày 11/8 của bệnh nhân Mai Trung Kiên cho thấy "không nhồi máu cơ tim" và "chảy máu trong do vết mổ ruột thừa".
Tại Bệnh viện FV, chi phí cho một ca mổ viêm ruột thừa là 30 triệu đồng, chưa bao gồm các loại phí khác nếu có phát sinh như tiền khám, siêu âm. Ở các bệnh viện khác tại TP HCM, chi phí cho một ca mổ ruột thừa khoảng từ 7 đến 12 triệu đồng. Một số bệnh viện tư nhân, chi phí này có thể cao hơn. Bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ được bảo hiểm chi trả khi mổ tại bệnh viện công lập.
Theo các bác sĩ chuyên khoa ngoại, mổ nội soi là cách phổ biến để điều trị viêm ruột thừa. Cách mổ này an toàn, bác sĩ có thể nhìn thấy rõ vị trí viêm để thủ thuật chính xác (trừ những trường hợp viêm ở vị trí sâu). Thời gian mổ cũng nhanh hơn phương pháp mổ hở truyền thống.
Biến chứng chảy máu sau mổ (nếu có) thường do động mạch ở vị trí mổ bị rò rỉ, tuy nhiên ít có tình trạng chảy máu ồ ạt. Bác sĩ có thể căn cứ vào các biểu hiện lâm sàng như bệnh nhân than đau bụng, bụng căng... để chẩn đoán biến chứng.