Nhìn cháu bé, nhiều bà mẹ ở phòng 608, khoa bệnh máu trẻ em, viện Huyết học – Truyền máu TW không kìm được nước mắt.
Khi tôi đến làm việc tại khoa, một nữ y tá chìa cho tôi xem ảnh chụp trên điện thoại, trông cháu không khác gì một bộ xương.
Cô y tá kể: “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy một đứa trẻ như vậy. Cháu mới nhập viện sáng nay thôi chị ạ. Chị xem có ai giúp được cháu không?”
Khi tôi vào, cháu bé đang được đi làm xét nghiệm, lúc sau quay lại cháu đã về. Tôi không thể tả hết cái cảm xúc thương bé trào dâng trong mình. Cháu bé nằm đó, mơ màng ngủ, đầu trơ ra bộ xương, từng gân máu chạy ngoằn nghèo trên trán. Đôi mắt to nhìn vô định mỗi khi mở mắt. Thỉnh thoảng, một cánh tay cháu giơ lên vơ vào không khí. Cẳng tay cháu chỉ bé bằng ngón cái của một người to lớn.
Cháu Hứa Văn Dũng người chỉ còn trơ bộ xương.
Cháu tên là Hứa Văn Dũng, sinh ngày 18/10/2010 ở Đội 8, thôn Nà Bó, xã Thổ Bình, Lâm Bình, Tuyên Quang. Dũng là dân tộc Tày, bố bỏ đi làm xa biền biệt trong Tây Nguyên không ngó ngàng gì đến Dũng.
Vừa rồi, gia đình giục mãi, bố Dũng mới gửi về cho 2 triệu đồng, vì vậy chị Na Thị Nhích, mẹ cháu mới có tiền đưa Dũng ra Hà Nội chữa trị theo lời khuyên của một người họ hàng.
Chị Nhích kể: Khi sinh ra, Dũng bình thường như bao đứa trẻ khác dù hơi ít cân (2,7kg). Nhưng càng nuôi, Dũng càng trở nên không bình thường, người không thấy lớn, da xanh xao, ăn kém.
Khi Dũng được 6 tháng tuổi, bụng to, sốt cao, gia đình đưa cháu đi khám mới phát hiện cháu bị sưng lá lách. Sau đó, cháu được truyền máu ở bệnh viện tỉnh và có đỡ hơn, ăn được.
Từ đó đến nay, Dũng được truyền máu 3 lần rồi vì gia đình không có tiền nên đành để cháu như vậy mà không đi truyền máu tiếp.
Lần cuối cùng, Dũng được truyền máu là 8/2011, sau cháu chỉ ở nhà để chữa thuốc Nam và đốt đèn vào lá lách ở thầy lang.
Vừa nói, chị Nhích vừa vạch bụng cháu ra cho tôi xem dấu vết đốt đèn. Giờ, bụng cháu không còn to, lách không thấy sưng mà bụng hóp lại. Phía trên, xương sườn trồi ra từng dẻ, phần xương ức dô ra làm nhói lòng người chứng kiến.
“Sao em không đưa cháu tới viện sớm mà để thế này?”. “Vì gia đình không có điều kiện, tiền khám, tiền ăn ở… lấy đâu ra”. Mẹ Dũng là người dân tộc, nên nói tiếng Kinh không rõ ràng, chỉ trả lời mỗi khi tôi hỏi.
Giờ chị Nhích lại đang có bầu 6 tháng, bụng chửa vượt mặt mà vẫn phải bế con chăm bẵm.
Dũng nằm đó, được mẹ mua cho hộp sữa thỉnh thoảng lại cho mút mút. Cái đầu nhỏ, tí tí lại nghẹo sang nghe tôi nói chuyện, tay lại quơ quơ lên.
Cháu được truyền máu
“Cháu có biết gì không em?”. “Cháu không hiểu đâu chị ạ, nó cũng chả nói được chỉ ê a thôi, đi cũng không đi được, nếu không ốm thế này thì còn chịu ngồi xúc cháo ăn”. “Tự xúc?”. “Vâng, cháu đòi xúc, không cho mẹ xúc đâu. Gần đây, cháu không chịu ăn, mệt quá nên nằm suốt”.
Khi tôi ở đó, nhiều người đứng vây xung quanh, trông cháu đáng thương quá. Các bà mẹ đều bảo: Khổ thân thế, sao cháu lại đến mức như vậy. Chị Hiền, một bà mẹ chăm con bị ung thư máu nói: “Em nghĩ cảnh mình đã khổ lắm rồi nhưng con em còn đầy đặn, toàn vẹn hơn cháu bé này”.
Ở nhà, Nhích đi làm ruộng, để con cho em gái chăm. Dì cháu cứ để Dũng nằm vậy, làm gì thì làm, đến bữa thì cho ăn mà thôi. Dũng như cây cỏ sống leo lắt qua ngày. Nhà nội ở Bắc Cạn, 2 mẹ con sống riêng ở căn nhà gần nhà bà ngoại nhưng bà cũng nghèo lắm, chẳng giúp được gì.
Chồng đi làm xa, gửi về cho chị Nhích 2 triệu đồng, giờ tiền tàu xe, viện phí đóng hơn 1 triệu rồi, còn chút tiền, chị Nhích không biết sẽ chăm con thế nào. Nói về chuyện này, chị Nhích bảo: “Em chỉ mong có chút tiền để chữa bệnh cho con thôi”.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hà Thị Sen nói: “Như gia đình cháu Dũng nói thì lách cháu bị to. Lách to có nhiều nguyên nhân nhưng bệnh cảnh chính của cháu hiện nay là suy dinh dưỡng quá nặng. Suy dinh dưỡng cũng gây thiếu máu và có thể cháu có bệnh kèm theo.
Hiện, cháu Dũng cần phải làm các xét nghiệm và đợi kết quả, từ đó, chúng tôi mới có phác đồ điều trị cụ thể. Trước mắt, cháu sẽ được truyền máu”.