Đó là khẳng định của ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tại Hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng chính phủ về Đề án giảm tải bệnh viện ngày 22/3.
Chưa bao giờ vấn đề quá tải bệnh viện lại trở nên bức xúc và được nói đến nhiều như hiện nay. Tại các bệnh viện tuyến trung ương tập trung nhiều nhất ở 5 chuyên khoa ung bướu, ngoại-chấn thương, tim mạch, sản và nhi, 2 đến 3 bệnh nhân phải nằm ghép một giường.
Tình trạng quá tải bệnh viện còn diễn ra không đồng đều giữa các bệnh viện tuyến trên, tuyến dưới và các chuyên khoa. Có nơi quá tải thực sự, có nơi đáp ứng đủ nhu cầu người bệnh, có nới mong quá tải, có nơi thì muốn bệnh nhân đến mà không có.
Xuất phát từ thực trạng này, Bộ Y tế đã thí điểm triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh về chuyên ngành ngoại khoa và nội khoa để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp trang thiết bị y tế, tư vấn khám cho các bệnh viện tuyến dưới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã và đang hình thành, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh tại một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế Hà Nội và một số tỉnh, thành trực thuộc trung ương.
Ông Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, tình trạng quá tải bệnh viện diễn ra không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống y tế nước nhà mà còn gây bức xúc cho người bệnh. Đây là mối quan tâm của toàn xã hội. Nguyên nhân sâu xa là do sự hạn chế về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của tuyến dưới.
Theo Bộ Y tế, thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh sẽ góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, củng cố lòng tin của người dân, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên...
Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, muốn giảm tải bệnh viện thì nhóm giải pháp căn bản là tăng cường y tế dự phòng và chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Cụ thể sẽ thiết lập hệ thống bác sĩ gia đình để quản lý sức khoẻ ban đầu ngay tại cộng đồng, sàng lọc bệnh, hạn chế tự ý lên tuyến trên khám, điều trị không cần thiết. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu, sàng lọc sớm các bệnh không lây nhiễm, quản lý bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết tại trạm y tế xã…
Giường bệnh tuyến trung ương tăng nhưng quá tải chưa giảm
Qua số liệu thống kê bệnh viện năm 2012, cả nước đã tăng được 11.599 giường bệnh theo kế hoạch và 12.711 giường bệnh thực kê đạt mức độ tăng tương ứng là 6,3%.
Cũng trong năm 2012, các bệnh viện tuyến trung ương đã tăng 6,6% giường bệnh kế hoạch và 7,3% giường bệnh thực kê so với năm 2011. Cụ thể, các bệnh viện tuyến trung ương đã tăng được 1.600 giường bệnh thực kê. Theo số giường bệnh kế hoạch, bình quân đạt 22,1 giường bệnh/vạn dân và nếu tính số giường bệnh thực kê hiện các bệnh viện tuyến trung ương đã đạt 24,7% giường bệnh/vạn dân.
Tăng số giường bệnh công lập trên phạm vi cả nước phù hợp với quy hoạch và phát triển mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh, trong đó ưu tiên đối với các chuyên khoa: Ung bướu, ngoại – chấn thương, tim mạch,sản và nhi là một trong những nội dung nằm trong Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 của Bộ Y tế.
Năm 2012, số lượt khám bệnh tăng 6,8% so với năm 2011. Điều trị nội trú cao ở cả 3 tuyến điều trị, trong đó bệnh viện tuyến trung ương tăng 18% so với năm 2011. Nhu cầu điều trị nội trú tăng 6% so với năm 2011.
Nhìn chung trên cả hệ thống khám chữa bệnh, công suất sử dụng giường bệnh có giảm nhẹ từ 100,5% năm 2011 xống 99,4% năm 2012. Mức độ giảm đều của các bệnh viện dao động từ 1-2%, trong đó bệnh viện tuyến trung ương vẫn có công suất sử dụng giường bệnh lớn nhất là 112,5%.
“Số giường bệnh thực kê tăng đã góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải tại các tuyến bệnh viện trung ương. Tuy nhiên, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trung ương tập trung nhất vào 5 chuyên khoa ung bướu, ngoại-chấn thương, tim mạch, sản và nhi vẫn trong tình trạng cao điểm chưa được giải quyết triệt để…
Tại các bệnh viện tuyến trung ương vẫn còn tình trạng 2-3 bệnh nhân/giường bệnh, bệnh nhân không được nhập viện để điều trị phải điều trị ngoại trú rất vất vả,... Số giường bệnh hiện có ở các bệnh viện tuyến trung ương vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu khám, chữa bệnh tăng cao như hiện nay,” PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết.