Quán cháo lòng bình dân của bà Mai ở phường Tân Sơn, quận Gò Vấp, TP HCM, rất đông khách.
Hàng chục chiếc chén cỡ trung bình, trong đó đựng đủ thứ, gồm lòng, da, thịt... đã băm nát, đặt ở nơi mất vệ sinh. Khu vực này tập trung nhiều lò mổ lợn tự phát nên nguồn huyết “bao la”. Rất nhiều người đến đây ăn tiết canh.
Tại cơ sở bà Năm chuyên bán huyết lợn, hàng chục bịch huyết tươi đựng trong thùng phuy nhựa để bán. Bà cho biết số huyết này lấy từ nhiều lò mổ. Mỗi ngày, cơ sở bà bán hàng trăm kg huyết lợn, chủ yếu cho các quán nhậu. Huyết tươi, bà bán 30.000 đồng một can 30 lít; huyết chín đóng cục thì bán 4.000 đồng một kg. Bà cho biết huyết này trữ được cả tháng vì có pha chất bảo quản.
Ở TP HCM có đến hàng trăm quán bán tiết canh vịt. Theo nhiều người bán, không thể đủ huyết vịt cung cấp cho các quán vì mỗi con chỉ được một chén huyết nhỏ. Vì vậy, phần lớn các quán phải dùng huyết lợn rồi “phù phép” thành tiết canh vịt.
Huyết lợn đang chuẩn bị mang đi bán.
Tiết canh là món khoái khẩu của dân nhậu. Dịch bệnh H5N1, liên cầu khuẩn lợn đang đe dọa và các cơ quan y tế cảnh báo tuyệt đối không được ăn tiết canh, nhưng nhiều người vẫn cứ liều. Theo ThS-BS Võ Minh Quang, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận, điều trị đến vài chục trường hợp mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, tháng nào cũng có 4-5 ca. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 28 trường hợp.
Qua một tháng điều trị tích cực bằng kháng sinh và lọc máu liên tục, bệnh tình anh Dũng (ngụ TP HCM) đã dần được cải thiện. Người nhà anh vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh người thân của mình bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Lúc đầu, anh chỉ bị sốt, mệt mỏi. Đến ngày thứ ba, bệnh tình trở nên trầm trọng, người nhà phải đưa anh đến bệnh viện. Ngay sau đó, anh bị hôn mê, sụt cân, nhiều vùng da bong ra từng mảng cùng với xuất huyết, suy hô hấp…
TS-BS Nguyễn Hoan Phú, Phó Khoa Nhiễm Việt - Anh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM), cho biết vi khuẩn liên cầu thường trú trong cổ họng, đường tiêu hóa, hô hấp của lợn và xâm nhập cơ thể người qua vết thương, lở niêm mạc chân răng... Những người mua bán, giết mổ, ăn tiết canh lợn dễ bị nhiễm bệnh này. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không ăn tiết canh lợn, không tiếp xúc máu, thịt lợn nhưng vẫn bị nhiễm bệnh vì ăn nhầm tiết canh vịt “giả”.
Theo BS Phú, ở phía Nam, bệnh liên cầu khuẩn lợn xuất hiện suốt năm. Khi nhiễm bệnh này, nếu điều trị sớm, người bệnh có thể khỏi hoàn toàn nhưng điều trị trễ dễ bị hoại tử lan rộng dẫn đến phù não, tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề như ngớ ngẩn, động kinh, điếc… Đó là chưa kể chi phí điều trị khá tốn kém, chỉ riêng lọc máu đã có thể lên đến 10 triệu đồng một ngày.
Theo BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, giảng viên Bộ môn Nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nghiên cứu cho thấy trong số bệnh nhân được điều trị phục hồi, có 60% bị ù tai hoặc giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn. 40% người mắc bệnh là do tiếp xúc trực tiếp lợn mang mầm bệnh. Nghiên cứu trên 100 bệnh nhân ở phía Nam mắc bệnh, 70% có ăn lòng lợn, tiết canh. Hiện nay, nhiều người nhận định tiết canh vịt “giả” có thể được làm từ huyết lợn kém chất lượng trộn với formaldehyde, bột màu công nghiệp, gây hại cho gan và thận.