Cha mẹ lo ngại việc đưa con đi tiêm phòng
Sự việc đau lòng khi một bé trai 3 tháng tuổi ở Hà Nội bị tử vong sau khi tiêm vắc-xin vào sáng ngày 5/1 vừa qua lại một lần nữa thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra hoang mang và lo lắng thực sự khi băn khoăn trước sự lựa chọn có nên cho con mình đi tiêm phòng vắc-xin hay không.
Trước đó, chỉ trong 3 ngày (từ ngày 7 – 10/12/2012) liên tiếp 3 bé 3 tháng tuổi tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cũng đã tử vong sau khi được tiêm vắc-xin Quinvaxem mũi 1 và uống vắc-xin bại liệt lần 1 tại trạm y tế xã.
Hàng loạt "sự cố" xảy ra cho trẻ sơ sinh sau khi tiêm phòng vắc-xin trong thời gian gần đây khiến nhiều bậc cha mẹ hoang mang, lo lắng.
Gần đây nhất, chiều tối ngày 25/12, 3 trẻ sơ sinh tại TP Quy Nhơn (Bình Định) cũng đã phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định do có biểu hiện phản ứng thuốc sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem phòng bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, Hib.
Những “sự cố” sau khi tiêm vắc-xin liên tiếp xảy ra đối với trẻ sơ sinh cho thấy những lo ngại trên của các bậc phụ huynh không phải là không có cơ sở.
Vắc-xin Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất. Vắc-xin 5 trong 1 phòng các bệnh như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do HIB.
Chị Tô Bích Thảo (trú tại KTT Thành Công, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Cách đây một tuần tôi cũng vừa đưa cháu thứ hai đi tiêm vắc-xin mũi 5 trong 1. Nói thực là tiêm vắc-xin cho con xong, khi về nhà cả vợ chồng lẫn ông bà nội ngoại đều lo lắm. Đành rằng những chuyện không may xảy ra sau khi tiêm phòng chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ nhưng mà biết đâu đấy, nhỡ nó rơi vào con mình thì sao… Sau một tuần, đến hôm nay vợ chồng tôi mới thực sự an tâm”.
Cùng chung tâm trạng như chị Thảo, chị Nguyễn Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) thì còn đang đắn đo trong việc có nên đưa con mình đi tiêm phòng mũi thứ hai hay không vì con chị chưa đầy hai tháng tuổi.
“Tôi lo lắm, nhất là gần đây liên tiếp xảy ra các vụ trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm phòng vắc-xin, chưa biết nguyên nhân cụ thể là do đâu nhưng quả thực là chúng tôi không an tâm. Nhiều lúc tiêm vắc-xin vào xong con mình lại bị phản ứng phụ, sốt rồi ho, thậm chí bỏ bú, người gầy rộc vì sút cân, trông tội lắm”, chị Hà tâm sự.
Và không riêng gì chị Thảo, chị Hà, mà nỗi lo lắng về sự an toàn cho con sau khi tiêm, thậm chí thái độ dè dặt khi đưa con đi tiêm phòng vắc-xin cũng luôn thường trực và khá phổ biến đối với các bậc phụ huynh hiện nay.
“Không tiêm phòng thì tác hại còn lớn hơn”
Hiện nay, trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã có 11 loại vắc-xin tiêm cho trẻ em để dự phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Thực tế đã cho thấy có hàng ngàn, hàng triệu trẻ em thông qua việc tiêm chủng đã phòng tránh được nhiều loại bệnh.
Theo thống kê của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong gần 4 năm qua, đã có 55 ca phản ứng nặng sau tiêm chủng, trong đó có 27 ca tử vong.
Tuy chỉ có 17/55 trường hợp phản ứng được xác nhận có liên quan đến tiêm chủng, nhưng nhiều phụ huynh vẫn tỏ ra lo lắng về những phản ứng phụ sau khi tiêm; thậm chí chỉ khi thấy con sốt, quấy khóc, bởi họ sợ vắc-xin… “có vấn đề.”
Trao đổi với PV về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế cho rằng: “Các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng khi đưa con đi tiêm phòng. Những “sự cố” xảy ra sau khi tiêm vắc-xin chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Nếu vì lo sợ mà không đưa con đi tiêm phòng thì tác hại sẽ rất lớn”.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế): "Nếu không tiêm phòng thì tác hại sẽ còn lớn hơn".
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, lợi ích từ việc tiêm phòng vắc-xin cho trẻ từ lúc nhỏ là rất to lớn và không thể phủ nhận. Tiêm phòng đầy đủ và kịp thời sẽ giúp trẻ phát triển bình thường và khỏe mạnh, cơ thể tự nâng cao sức đề kháng và miễn nhiễm được một số căn bệnh về sau.
“Ở các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, tiêm phòng vắc-xin cho trẻ sơ sinh đã được xã hội hóa, nghĩa là cha mẹ khi sinh con ra họ đã ý thức được việc cần phải tiêm phòng vắc-xin cho con mà không cần phải ai đó tuyên truyền, phổ biến, nghĩa là họ hoàn toàn tự giác. Điều đó cho thấy họ coi trọng việc tiêm phòng quan trọng như thế nào”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, ngay cả ở các nước có nền y học, y tế phát triển nhất thì những “sự cố” đối với trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc-xin vẫn xảy ra.
“Ngay cả ở những nước có nền y tế phát triển thì những “sự cố” đối với trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc-xin vẫn xảy ra. Đó là điều không ai mong muốn cả. Nhưng vấn đề không phải là lo sợ để rồi không sử dụng vắc-xin hay không cho trẻ tiêm phòng nữa mà là tìm ra nguyên nhân gây ra các “sự cố” để khắc phục nó. Ngoài ra, những “sự cố” này thường chiếm tỉ lệ rất ít, không đáng kể”.
Liên quan đến những “sự cố” xảy ra liên tiếp đối với trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc-xin trong thời gian vừa qua, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng cần phải tiến hành kiểm định lại loại vắc-xin đã sử dụng xem có đảm bảo về độ an toàn hay không.
Tiêm chủng giúp gần 7 triệu trẻ em thoát khỏi nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm
Theo ước tính của Bộ Y tế, nhờ được tiêm chủng mở rộng mà có khoảng 6,7 triệu trẻ em thoát khỏi nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và hơn 42.000 trẻ không bị tử vong do các bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi, bạch hầu, ho gà. Cũng nhờ có chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ số trẻ mắc sởi trên 100.000 dân năm 2011 giảm 182 lần so với năm 1984 và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi với số mắc nhỏ hơn 1/1 triệu dân.