Khẳng định độc chất PAH
Trước đó, một số báo đưa tin các túi dầu khoáng độn trong áo nịt ngực phụ nữ không chứa nhóm hóa chất polycyclic aromantic hydrocarbon (PAH) có khả năng gây độc.
Thông tin này trái với kết quả xét nghiệm tại Viện Hóa học thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam (xem bài “Dịch lỏng trong áo ngực Trung Quốc có chất độc”,Tiền Phongsố 313 ngày 8-11-2012). Ngày 11-11, các nhà khoa học tại Viện Hóa học tiến hành định lượng các chất trong nhóm PAHs.
Do nhóm hợp chất PAH chưa có trong tiêu chuẩn Việt Nam (VN) và chưa được dùng phổ biến ở VN, các nhà khoa học mất hai tuần với hàng chục triệu đồng mua hóa chất để sớm giải bài toán có ý nghĩa dân sinh này.
Chiều qua, Viện Hóa học chính thức tái khẳng định PAH có trong các mẫu túi dịch dầu khoáng lấy từ các mẫu áo nịt ngực phụ nữ được gửi từ các cơ quan có trách nhiệm.
Trong số 16 hóa chất thuộc nhóm PAH, hai hóa chất cụ thể đã được định lượng trong dầu khoáng cài vào áo nịt ngực. Đó là Antracene và Pyrene, theo TS Vũ Đức Lợi, Trưởng phòng Hóa Phân tích kiêm Phó Viện trưởng Viện Hóa học.
Ba loại túi dịch khác nhau tìm thấy trong áo nịt ngực phụ nữ nhưng vẫn chưa xác định được thủ phạm gây ngứa hoặc dị ứng.
Phát hiện dịch trắng như sữa
Trong số các mẫu áo ngực phụ nữ gửi về Viện Hóa học, các nhà khoa học còn phát hiện nhiều loại túi đựng dung dịch khác. Một loại dung dịch về cảm quan trông giống hệt dầu khoáng, cũng trong vắt và có độ nhớt.
Tuy nhiên, khi đặt dưới đèn tử ngoại, dung dịch này không phát quang màu xanh da trời như đối với mẫu dầu khoáng có nhóm PAH với các cấu trúc hóa học nối đôi.
Làm các xét nghiệm sơ bộ tiếp theo, các nhà khoa học bước đầu xác định dung dịch đó chính là dầu silicon. Dầu silicon không có nối đôi, nên không phát quang màu xanh da trời đặc trưng dưới ánh sang đèn tử ngoại.
Loại dầu đó, nếu ở dạng tinh khiết, thường được dùng trong y tế, nhất là phẫu thuật thẩm mỹ.
Đến thời điểm này, các nhà khoa học chưa làm các xét nghiệm tiếp theo để xác định đấy là dầu silicon công nghiệp hay tinh khiết và như vậy, chưa thể kết luận nó có hại cho sức khỏe khi tiếp xúc hay không.
Tuy nhiên, những người làm xét nghiệm cho hay, họ thiên về khả năng đấy là dầu silicon tinh khiết.
Đáng chú ý, nhóm phân tích còn nhận được một mẫu dịch cũng lấy từ áo nịt ngực nhưng có trạng thái vật lý và thành phần hoàn toàn khác hai loại dịch trên.
Đối lập với dạng trong suốt, dung dịch lại đục, có màu trắng như lòng trắng trứng gà và đặc sệt. Bước đầu phân tích thì được biết thành phần chính của thứ hỗn dịch ấy là kẽm stearate, chiếm trên 50% tổng hàm lượng của dịch.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa xác định được dung môi trộn với bột kẽm stearate là dung môi gì. Dù thế, nhóm phân tích không tìm thấy độc chất PAH trong dịch trắng đục này.
Chưa xác định được tác nhân gây ngứa
Vậy trong số các hóa chất nêu trên được làm rõ, hóa chất nào có thể là tác nhân gây dị ứng hoặc ngứa ngực cho một số phụ nữ? TS Vũ Đức Lợi cho biết, chưa thể quy trách nhiệm cho bất cứ hóa chất nào được phát hiện tại Viện Hóa học.
Về Pyren, một hóa chất thuộc nhóm PAH tìm thấy trong dầu khoáng, hóa chất này có bốn vòng thơm với công thức hóa học là C16H10. Kết quả nghiên cứu trên động vật cho thấy Pyren rất độc với thận và gan. Có tài liệu nói nó có thể gây ung thư.
Tuy nhiên, hàm lượng của nó trong mẫu dầu khoáng chỉ là 0,140-0,192 mg/kg. Mức ấy rất khó có thể gây độc nếu biết ngưỡng an toàn mà Cơ quan Quản lý Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép là 25 mg/kg.
Với Antracene cũng vậy. Có ba vòng thơm với công thức hóa học C14H10, nó bị quy là gây một số bệnh nhưng không bị liệt vào nhóm chất gây ung thư, theo Cơ quan Y tế &An toàn Nghề nghiệp Mỹ. Hơn nữa, hàm lượng của nó tìm thấy trong mẫu dầu khoáng lấy từ áo nịt ngực cũng còn thấp hơn cả Pyren, chỉ ở mức 0,068-0,082 mg/kg.
Còn kẽm stearate, thành phần chính của dịch sệt trắng như sữa thì đây là chất độn dùng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp cũng như y tế. Cụ thể, nó là chất ổn định nhiệt, hấp thụ tia cực tím (UV) trong nhựa tổng hợp PVC.
Nó còn được dùng làm chất trợ màu và trợ gia công cho các loại nhựa, dùng làm chất chống dính trong ngành cao su.
Theo TS Vũ Đức Lợi, để truy tìm nguyên nhân gây ngứa hoặc dị ứng cho chị em, cần tiến hành nhiều biện pháp khác nhau chứ không thể dừng ở các bước phân tích hóa học nêu trên.
Thứ nhất, cơ quan y tế cần tổ chức khám cho những người bị ngứa hoặc dị ứng do đeo áo nịt ngực có chứa dịch lỏng.
Thứ hai, nếu có điều kiện, nên tiến hành kiểm tra thành phần hóa học của các loại vải và mút dùng để may áo nịt ngực gây ngứa cho chị em.