Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chẩn đoán bệnh tay chân miệng dựa chủ yếu vào các biểu hiện lâm sàng, chứ không chờ vào xét nghiệm. Vì thế, bác sĩ, thậm chí người dân có thể phân biệt được 2 bệnh này. Cụ thể:
Sốt virus:
- Bắt đầu từ giai đoạn 6 tháng tuổi là trẻ có thể bị sốt virus, đôi khi sốt cao 38,5 độ, 39,5 độ, sốt liên tục. Dùng thuốc hạ sốt thì trẻ đỡ, nhưng sau đó lại sốt, sốt có thể kéo dài 2-4 ngày, thậm chí là 6 ngày.
- Ngoài sốt, trẻ có thể kèm theo các biểu hiện viêm đường hô hấp trên như: ho, sổ mũi...
- Tuy nhiên xét về toàn trạng thì trẻ vẫn tỉnh táo, chơi tốt, khám không thấy dấu hiệu nhiễm trùng ở họng, phổi, đường ruột...
- Sau khi hết sốt, trẻ có thể nổi ban nhưng ban mỏng, rải rác, nhưng cũng có thể mọc toàn thân, hồng ban xen kẽ, ít dạng sẩn, thường có hạch sau tai.
- Sốt virus có thể tự khỏi trong 2-4 ngày. Trẻ có thể bị sốt virus trở lại với tần xuất 2-3 lần, thậm chí 5-6 lần một năm.
- Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
Tay chân miệng
- Tùy từng thể bệnh mà có biểu hiện điển hình hay không. Trẻ có thể sốt cao liên tục 39, 40 độ C và không đáp ứng thuốc hạ sốt, nhưng có trẻ lại chỉ sốt nhẹ.
Chẳng hạn với thể tối cấp thì bệnh diễn tiến rất nhanh, có các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong 2-4 ngày. Với thể không điển hình thì dấu hiệu phát ban không rõ hoặc chỉ có vết loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không phát ban loét miệng.
- Tuy nhiên, đa phần trẻ sẽ trải qua 4 giai đoạn điển hình của bệnh gồm ủ bệnh, khởi phát (sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng... ), giai đoạn toàn phát (loét miệng, ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối...) và giai đoạn lui bệnh. Ngoài ra, dù đang sốt nhưng sờ chân, tay trẻ lại thấy lạnh.
- Trẻ thường phát ban cùng với sốt, trong khi sốt virus là nổi ban sau khi hết sốt.
- 3-5 ngày sau khi khởi bệnh, trẻ hồi phục hoàn toàn mà không có biến chứng.
- Nếu có biến chứng thì thường xảy ra ngay ngày đầu tiên hoặc thứ 2 như viêm não (dấu hiệu tri giác xấu, trẻ nôn thốc nôn tháo...), viêm cơ tim, trẻ mệt xỉu, nhịp tim nhanh...
- Thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi.
Ngoài sốt virus, cũng cần phân biệt tay chân miệng với các bệnh có phát ban da khác như:
- Dị ứng: hồng ban đa dạng, không có phỏng nước.
- Viêm da mủ: đỏ, đau, có mủ.
- Thủy đậu: phỏng nước, gặp ở nhiều lứa tuổi, rải rác toàn thân.
- Sốt xuất huyết Dengue: chấm xuất huyết, bầm máu, xuất huyết niêm mạc.
Cũng vì có một số trường bệnh tay chân miệng không điển hình nên tiến sĩ Điển cũng khuyến cáo, nếu con sốt cao liên tục thì dù là sốt gì cũng nên đưa đi khám ngay. Điều quan trọng là khi bị trẻ sốt, cha mẹ không nên chỉ phụ thuộc vào thuốc hạ sốt mà cần phải cho trẻ ở trong môi trường thoáng khí, lấy khăn ấm lau nách, bẹn, trán... để hạ sốt cho bé.
Với những trường hợp được chỉ định điều trị tại nhà (chỉ loét miệng, có thể kèm theo tổn thương da) thì cha mẹ cần chú ý cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ, hạ sốt cách 6 tiếng một lần, vệ sinh răng miệng. Ngoài ra cần cho bé nghỉ ngơi, tránh kích thích, 1-2 ngày lại tái khám trong 5-10 ngày đầu của bệnh.
Bên cạnh đó, khi thấy có dấu hiệu nặng như: sốt cao hơn 39 độ C, thở nhanh, khó thở, rung giật cơ, chới với, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, co giật hôn mê.. thì cần tái khám ngay.
Với những trẻ nhà xa, không có điều kiện tái khám, có các biểu hiện nặng như mạch nhanh, rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, sốt cao... thì sẽ được chỉ định nhập viện.
Theo Phương Trang
VnExpress