Nước Mỹ hoang mang vì người hiến tạng nhiễm bệnh dại

Theo SGGP |

Hãng AP ngày 17-3 đưa tin, dư luận Mỹ xôn xao vì một vụ scandal liên quan đến nội tạng được hiến có nguy cơ lan truyền bệnh dại.

Cơ quan y tế công cộng ở 5 tiểu bang của Mỹ đang đánh giá nguy cơ lây nhiễm bệnh dại cho hàng trăm người đã tiếp xúc với một bộ phận cơ thể bị nhiễm căn bệnh này và 4 bệnh nhân được cấy ghép, trong đó có 1 người đã tử vong.

Sai sót từ khâu kiểm tra

Cũng theo hãng tin AP, số người khoanh vùng trong nguy cơ nhiễm bệnh là hơn 200 người, gồm nhân viên y tế, người thân và những người khác được nhận định có thể đã tiếp xúc với virus bệnh dại trong quá trình cấy ghép và vận chuyển nội tạng hiến tặng.

Khoảng 20 người được yêu cầu tiêm vaccine phòng bệnh dại để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh. Ở bang Florida,  khoảng 90 người đã được xác định là có khả năng tiếp xúc và 3 người được chủng ngừa bệnh dại.

Ca phẫu thuật ghép tạng tại một bệnh viện ở bang Florida, Mỹ.

Các quan chức y tế ở bang Georgia và North Carolina đang điều tra cái chết vì bệnh dại của người đàn ông ở Maryland gần 18 tháng sau khi ông được cấy ghép quả thận từ một thanh niên 20 tuổi ở Pensacola, bang Florida. 3 người nhận nội tạng hiến từ người thanh niên này đang được theo dõi.

Các bác sĩ ở Florida đã không kiểm tra chặt chẽ sức khỏe của người thanh niên này trước khi anh qua đời vào tháng 9-2011 và đưa tim, gan và thận của người cho đến người nhận ở Florida, Georgia và Illinois. Hãng AP cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc lây lan bệnh dại. Theo các quan chức y tế, virus bệnh dại có thể lây lan qua nước bọt của người bị bệnh và màng nhầy, nhưng truyền từ người sang người là rất hiếm.

Các nhà điều tra vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân người cho tạng bị nhiễm virus bệnh dại gấu trúc (được tìm thấy trong mô não của bệnh nhân bị chết ở Maryland). Phán đoán ban đầu có thể là anh ta đã bị một loài động vật hoang dã cắn ở North Carolina trước khi di chuyển đến Florida.

Anh này đã khám bệnh tại phòng khám ở sân bay Pensacola Naval hồi tháng 8-2011 vì bị đau bụng và nôn mửa, 4 ngày sau đó được chuyển đến một bệnh viện dân sự. Bệnh nhân đã phát triển bệnh viêm não, một dạng bệnh có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả bệnh dại, nhưng các bác sĩ đã không kiểm tra.

Nguy hiểm chực chờ

Đây không phải là lần đầu tiên ở Mỹ xảy ra sự cố lây nhiễm bệnh từ người nhận nội tạng  nhưng đây là lần có số người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất từ trước đến nay. Vào năm 2011, Bộ Y tế bang New York, Mỹ, xác nhận một người sống tại bang này đã nhiễm virus HIV sau khi được ghép thận.

Trong khoảng thời gian sau khi được kiểm tra bệnh truyền nhiễm đến khi tiến hành lấy thận, người hiến thận đã bị nhiễm HIV. Năm 2007, tại Mỹ đã ghi nhận 23 trường hợp được cấy ghép tạng trong tổng số 28.000 bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư, hay những căn bệnh truyền nhiễm khác từ người hiến tặng, 12 bệnh nhân trong số này đã tử vong.

Những con số này cũng cho thấy bên cạnh những điều kỳ diệu mà kỹ thuật cấy ghép nội tạng đem lại cho hàng triệu người bệnh trên thế giới, vẫn còn những rủi ro đến từ nguy cơ truyền bệnh từ người hiến tạng sang cơ thể người bệnh cần được cấy ghép nếu từ khâu kiểm tra không chặt chẽ.

Các bệnh viện Mỹ bào chữa rằng họ luôn luôn tiến hành loại bỏ bộ phận nhiễm bệnh ra khỏi danh sách cấy ghép, nhưng một số loại ung thư và những căn bệnh khác không phải lúc nào cũng có thể phát hiện được trong một thời gian ngắn. Với sức ép về thời gian để cấy ghép càng sớm càng tốt ngay sau khi người hiến tạng qua đời, thông thường là 1 ngày, đó thật sự là một nhiệm vụ khó khăn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại