Khoa sản 1, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) được nhiều người ví như khoa "ung thư" của ngành sản, nơi tập trung toàn những thai phụ có bệnh lý nặng, chỉ một phút sơ sảy có thể mất cả mẹ lẫn con. Trường hợp của sản phụ Đặng Thị Hiền, 28 tuổi, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cũng trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc đó.
Lấy chồng được hơn một năm, chị có bầu 2 lần. Lần đầu chỉ được 10 tuần thì thai chết lưu. Đến lần thứ hai, lúc thai được 6 tháng, chị thấy hai chân bị phù nên vào bệnh viện huyện khám. Từ đó cơn ác mộng của chị bắt đầu. Chị được chuyển lên bệnh viện tỉnh, rồi lại ra Bệnh viện Phụ sản Trung ương vào ngày 28/8 với chẩn đoán bị tiền sản giật, huyết áp tăng, kèm thêm suy thận.
Đối với chị Hiền, lần mang thai này là cơ hội duy nhất để chị được làm mẹ. Ảnh: N.P.
Theo các bác sĩ, tiền sản giật là một trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của bà mẹ và thai nhi. Người mẹ có nguy cơ bị tổn thương gan, thận, chảy máu (máu chảy không cầm được hay co giật khi chuyển dạ). Trong khi đó thai nhi sẽ chậm phát triển, suy thai, thậm chí bị chết lưu trong tử cung.
Lo sợ cho tính mạng của người mẹ nên các bác sĩ khuyên bệnh nhân và gia đình chấp nhận lấy thai sớm, để lâu thì có khi hỏng cả mẹ lẫn con. Chị Hiền không muốn. Chị cố cầm cự từng ngày, cầu mong huyết áp xuống để hai mẹ con được khỏe mạnh. "Con càng có thêm thời gian ở trong bụng mẹ thì khả năng sống sẽ càng cao hơn", chị Hiền chia sẻ.
"Đây là cơ hội duy nhất tôi có để có thể làm mẹ, tôi phải trân trọng nó. Bác sĩ nói tôi bị suy thận nên việc có thai lần nữa là một điều rất nguy hiểm. Vì thế tôi muốn con được sống dù phải đặt cược cả tính mạng mình", chị Hiền rơm rớm nước mắt nói.
Bị suy thận nên khả năng có thai lần nữa của chị Hiền gần như là không thể. Ảnh: N.P.
Phó giáo sư Trần Danh Cường, Trưởng khoa sản 1, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: "Đây là cơ hội mang thai cuối cùng của bệnh nhân nên chúng tôi cố giữ được ngày nào hay ngày đấy. Cũng phải nói thật là cố cho bé một vài ngày nhưng có thể hỏng mẹ và bé.
Chúng tôi luôn phải theo dõi chặt để kiểm soát huyết áp, theo dõi nhịp tim. Với những trường hợp thai phụ bị tiền sản giật thông thường chỉ cố được 1 tuần, thai phụ này kéo được đến 2 tuần là rất hiếm".
"Khả năng trẻ sống khi được 29 tuần không nhiều, nhưng vẫn phải cố, mục tiêu cứu được cả mẹ và em bé. Chúng tôi đã tiêm thuốc trưởng thành phổi để đến khi trẻ ra khỏi bụng mẹ thì cơ hội sống cao hơn", phó giáo sư Cường cho biết thêm.
Ngày 11/9, bác sĩ quyết định mổ lấy thai, bé gái nặng 800 gr, đang được nuôi trong lồng kính. Sức khỏe chị Hiền cũng đã ổn định và được xuất viện sau 2 ngày. Gia đình chị cũng quyết định đặt tên cho con là Lê Thị Tường Vi, như một lời cầu chúc cho con được may mắn.