Dị tật hiếm gặp
Ngày 2/11, TS.BS Phan Đương, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, bệnh nhân Hậu bị dị tật bẩm sinh gọi là hậu môn màng (da che kín), bệnh này rất ít gặp, tỷ lệ 1/100.000. Sau khi sinh, anh Hậu được các bác sĩ đặt vào cơ thể hậu môn nhân tạo và suốt 39 năm qua bệnh nhân không làm chủ được việc đại tiện.
Do hậu môn nhân tạo của anh Hậu nối giữa ruột non và đại tràng, đoạn ruột dưới suốt 39 năm không hoạt động nên dần teo nhỏ lại. Trước khi tạo hậu môn đường dưới, bệnh nhân đã được mổ hai lần. Lần thứ nhất chỉnh sửa lại hậu môn tự nhiên, cắt bỏ màng da, tạo hình lại cơ vòng và ống hậu môn. Sau đó, bệnh nhân được hướng dẫn tự nong, thụt tháo để nới rộng đoạn ruột dưới bị teo. Lần tiếp theo, tháo bỏ hậu môn nhân tạo và nối lại ruột. Bệnh nhân đã ăn cháo, có thể đi đại tiện tự nhiên và đang tập làm chủ cơn đi đại tiện.
TS.BS Phan Đương cho biết thêm, vì đại tràng (ruột già) của bệnh nhân suốt 39 năm không hoạt động nên bị đơ lại và ngày càng teo nhỏ. Bình thường, ruột non có đường kính từ 3 - 4cm, còn ruột già từ 4 - 6cm, tuy nhiên đoạn ruột già của anh Hậu tận cùng trên chỉ có đường kính 0,5cm và tận cùng dưới khoảng 1,5cm. Do đó, khi nối ruột, bệnh nhân có thể có nguy cơ vỡ ruột, xì đoạn nối. Bên cạnh đó, bệnh nhân gần như không biết cảm giác buồn đại tiện, phải tập giữ hơi, nhíu hậu môn, phải ăn nhiều chất xơ, tránh ăn uống chất kích thích, duy trì cho đến khi bình thường...
Trước đó, các bác sĩ cũng đã tạo hình thành công cho một phụ nữ lớn tuổi thiếu hậu môn đã 45 năm. Theo BS Phan Đương, phẫu thuật chỉnh sửa tạo hình hậu môn hiện nay không còn khó khăn, nếu bệnh nhân vào viện sớm.
Anh Nguyễn Hải Hậu hạnh phúc sau khi chữa bệnh.
Chấm dứt nỗi buồn đi cùng 39 năm
Anh Hậu cho biết, anh rất vui mừng vì mấy chục năm mình bị "án treo" chẳng dám đi đâu. Anh kể: "Chẳng dám cởi trần, trời nóng nực cũng phải mặc áo kín bởi sợ mọi người biết mình có bệnh. Hồi con gái còn nhỏ cứ hỏi vợ em rằng tại sao ba lại có cái cục bên hông, sao người khác không có? Em mới bảo với con gái rằng, người ta không có, ba có là tự hào lắm đó. Trả lời con vậy, chứ trong lòng xót xa lắm. Bên nhà vợ em cũng không biết, vì nếu biết, chắc gì gia đình đã chịu gả con gái cho em. May mà, vợ em rất yêu thương em nên mọi chuyện trong gia đình cô ấy gánh vác hết từ chuyện học hành, giao tiếp với bên ngoài, giấy tờ, thủ tục, lễ nghĩa gì cũng mình cô ấy làm, chứ em đâu dám đi đâu xa vì chỉ sợ cái bọc không may nó xì ra...".
Còn nhớ hồi nhỏ đi học lớp 1, anh bị bạn bè gọi là "thằng thối, thằng không có lỗ đít...", về nhà ấm ức ngồi khóc suốt.
Anh Nguyễn Hải Minh - anh trai cả của anh Hậu, người chăm sóc Hậu khi điều trị bệnh ở TPHCM cho hay: "Em tôi thiệt thòi lắm nên cả nhà ai cũng thương. Bạn bè chọc ghẹo, không thể vui chơi bình thường như những đứa trẻ khác, còn có người độc miệng nói là nhà tôi mang nghiệp chướng nên con mới như vậy... Em tôi phải sống trong im lặng và thu mình lại, do không muốn người khác biết mình có bệnh. Gia đình tôi phải chuyển nơi ở để tránh điều tiếng cho em tôi, hồi nhỏ các em gái tôi phải thay nhau chăm sóc cho Hậu. Thương em lắm nhưng biết làm sao được...".
Với nụ cười rạng rỡ, anh Hậu khoe: "BS Phan Đương nói bệnh này không di truyền nên lần này khỏi bệnh, về nhà em cố kiếm thêm thằng cu cho có nếp, có tẻ. Chứ lâu nay, em sợ không dám đẻ thêm nữa. Mặc dù con gái của em sinh ra bình thường".