Hai mẹ con cùng trong viện chăm nhau
Con được chuẩn đoán bị bạch cầu cấp đã hơn 1 năm khiến chị Trần Thị Thêm (thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội) ngày nào cũng sống trong sự nơm nớp lo sợ. Ở viện, mỗi khi hay tin một bé “ra đi” chị lại càng hoảng loạn nghĩ đến con mình. Thằng bé 12 tuổi rồi, nên nó cũng hiểu “ung thư là gì” và “vì sao các bạn cứ lần lượt đi như thế”.
Chị xót lắm, đau đến điếng người khi mỗi lần đưa con lên bệnh viện nhưng: “Ông trời đã bắt tội nó như thế, tôi cũng có biết làm thế nào đâu. Giờ chỉ mong sao có tiền để chữa cho con thêm được ngày nào thì hay ngày đấy thôi.” – chị Thêm tâm sự.
Bị bạch cầu cấp đã hơn 1 năm nay, cậu bé Cường đang điều trị tại phòng 606, bệnh viện Huyết học - Truyền máu TW
Trên giường bệnh, bé Trần Mạnh Cường (con trai chị Thêm) vẫn hồn nhiên đọc truyện tranh trong giờ tiêm truyền. Em nhoẻn miệng cười tươi khi thấy mẹ lo lắng rồi lại giục mẹ xuống tầng 4 bởi cũng sắp đến giờ mẹ phải truyền.
Không muốn đi, chị còn nấn ná thêm lúc nữa bởi chị biết con khó chịu và đau lắm nhưng cố tình không cho mẹ biết. Hai mẹ con cứ thế giục nhau và đều nói “không sao” nhưng trong sâu thẳm đôi mắt đỏ hoe ngân ngấn nước kia chất chứa bao nỗi niềm mà cả chị Thêm và bé Cường đều biết rõ.
Nỗi lo về bệnh của con chưa hết, chị đã phải nhập viện điều trị bởi bị xuất huyết giảm tiểu cầu.
Hoàn cảnh gia đình nông dân lại thuộc hộ nghèo ở xã, vậy mà hơn 1 năm nay chị Thêm phải tất tả ngược xuôi vay mượn để theo con lên điều trị tại bệnh viện Huyết học và Truyền máu TW. Vậy mà ông trời còn giáng họa khi cách đây 5 tháng chị phát hiện mình bị mắc chứng giảm tiểu cầu và phải chữa trị tại tầng 4 của bệnh viện. Nỗi lo về bệnh tình của con còn để ngỏ, giờ lại đến mẹ khiến hoàn cảnh gia đình lại càng thêm túng bấn.
Chồng chị là anh Trần Văn Định ở nhà xoay đủ các nghề từ cấy gặt thuê, đi phu hồ, làm gạch… nhưng cũng chỉ gửi lên được cho hai mẹ con một vài đồng ít ỏi. Không có tiền, chị Thêm tính không chữa trị nữa để một mình con được chữa nhưng thằng bé Cường khóc như mưa, nó cứ van xin mẹ : “Mẹ không chữa, con cũng không chữa nữa.” khiến chị đau như có ai xát muối.
Dù là ung thư, mẹ cũng chưa từng thôi hi vọng
Nằm cùng phòng với bé Cường, hoàn cảnh gia đình của bé Nguyễn Thế Minh Vũ (thôn 8, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cũng hết sức đáng thương. Đang lên cơn sốt phải trườm khăn ướt, trông em gầy tong teo chỉ còn da bọc xương. Phần bụng to phình ứ căng lên và đau lắm nên mẹ của em cũng phải hết sức nhẹ nhàng khi chạm vào. Đôi mắt mở he hé, em nhìn mọi người qua lại rồi nhắm nghiền thiêm thiếp trong hơi thở nặng nề.
Mẹ em là chị Trần Thị Bình không khỏi lo lắng bởi: “Lần này lên viện cháu có vẻ nặng cô ạ, cháu không ăn được mà cứ sốt nằm như thế khiến tôi lo lắm”.
Ở trong bệnh viện cậu bé Vũ bị sốt liên tục khiến chị Bình rất lo lắng.
Cũng như Cường, Vũ được phát hiện bệnh cách đây 1 năm và từ đó coi bệnh viện là nhà với lịch truyền hóa chất dày đặc. Vợ chồng cùng làm nông nghiệp với thu nhập vẻn vẹn mấy sào ruộng không đủ cho con lên viện nên đã mượn anh em sổ đỏ cắm vay ngân hàng.
Chị Bình kể: “Tính đến thời điểm này tôi đã mượn 4 sổ đỏ để cắm rồi. Số nợ khổng lồ tôi cũng lo lắm nhưng ngày nào còn được nhìn thấy cháu thì ngày đó tôi còn hi vọng sẽ làm ra để trả cho dù là làm cả đời đi nữa”. Nhưng đến thời điểm này thì chị kiệt quệ thật bởi không còn ai để mượn sổ đi cắm nữa, chị cũng không thể vay được ai bởi ai chị cũng hỏi vay trước rồi.
Đã đi vay cắm đến 4 sổ đỏ, hiện tại chị không còn cách nào để có tiền chữa trị tiếp cho con.
Con bệnh nặng, có người xui chị đừng hi vọng nhiều quá nhưng chị “mặc kệ”, ngày ngày chăm con chị vẫn tin: “Vũ của chị không thể chết được” nên “còn nước còn tát”. Ấy vậy nhưng khi nói chuyện với tôi, người mẹ ấy mới ngậm ngùi bộc bạch: “Ở lại bệnh viện chứng kiến lần lượt từng cháu ra đi, tôi đau xót lắm rồi lại nghĩ đến con mình. Tôi biết bệnh của con không thể chữa được nhưng vẫn phải cố gắng động viên bản thân mình rằng con sẽ không sao cả.
Hơn 1 năm, hai vợ chồng chạy đủ mọi đường để vay giật lo cho con đi viện, nhưng bây giờ thì hết cách thật rồi cô ạ. Tôi không dám hi vọng nhiều nhưng mong sao con ở lại với mình được ngày nào thì ngày đó tôi còn biết mình còn được sống”.