Những nguyên nhân gây phù làm bạn khó chịu

Theo SKĐS |

"Tôi thường bị phù và tê chân, nhất là khi đứng hoặc ngồi lâu; khi nằm thì phù cả người, đi tiểu bình thường. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân".

Phù là hiện tượng ứ nước trong các tổ chức dưới da hoặc phủ tạng, có thể gây ra bởi nhiều cơ chế, là triệu chứng của nhiều bệnh, nên có lúc chẩn đoán dễ, có lúc lại rất khó.

Phù toàn thân (phù cả mặt, người, chân, tay và thường kèm theo cả tràn dịch màng phổi và màng bụng) thường do các nguyên nhân:

- Các bệnh về thận (viêm cầu thận, thận nhiễm mỡ...): Bao giờ cũng phù ở mi mắt, mặt rồi mới đến nơi khác. Phù không liên quan đến thời gian và tư thế; nơi phù có màu trắng, mềm, ấn lõm; nước tiểu bệnh nhân có protein. Nhận biết protein trong nước tiểu bằng cách tiểu vào một lọ thủy tinh trong suốt, đem hơ trên ngọn lửa, protein (nếu có) sẽ đông vón lại như lòng trắng trứng. Mức độ phù nhiều hay ít tùy theo tình trạng bệnh.

- Suy dinh dưỡng, có bệnh đường ruột mạn tính hay nhiễm khuẩn: Phù chủ yếu ở 2 chi dưới, còn ở mặt, thân và tay thường nhẹ và kín đáo hơn, chỗ phù mềm, ấn lõm; phù không liên quan đến tư thế và thời gian; không có protein trong nước tiểu.

 

- Do nội tiết: Thường phù ở chi dưới và cả ở mặt nhưng thường kín đáo, người bệnh có cảm giác hơi nặng ở mặt, ở chi, ấn lõm ít. Bệnh thường xảy ra ở nữ và có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.

Trường hợp phù khu trú thường do các nguyên nhân sau:

- Suy tim phải: Phù lúc đầu kín đáo, ở mắt cá chân; chỉ xuất hiện về chiều, sau khi người bệnh đứng lâu và mất đi lúc sáng sớm, khi người bệnh mới ngủ dậy. Về sau, phù sẽ thường xuyên và rõ rệt hơn. Phù mềm, ấn lõm và bao giờ cũng kèm theo gan to, mềm, khó thở.

- Xơ gan: Phù mềm, ấn lõm và kèm theo cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ.

- Thiếu vitamin B1: Phù chủ yếu ở bắp chân, bắp chân căng to, ấn lõm. Bao giờ cũng kèm theo rối loạn cảm giác như tê bì, kiến bò, chuột rút, nếu nặng thì mất phản xạ gân gối.

Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân gây phù khác như viêm tắc tĩnh mạch, có thai, viêm bạch huyết, dị ứng...

Do triệu chứng phù có nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc điều trị cũng khác nhau. Những chi tiết em phản ánh trong thư vẫn chưa đủ cơ sở để chẩn đoán. Em nên đến phòng khám đa khoa khu vực hoặc bệnh viện gần nhất để có thể chẩn đoán chính xác và điều trị.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại