Xin nghỉ dạy buổi sáng, chị Thủy, 30 tuổi - cô giáo mầm non dạy một trường ở Thái Hà, Hà Nội - đến phòng tiêm chủng Nguyễn Chí Thanh khá sớm, tiêm 2 loại văcxin là cúm và mũi 3 trong 1 (gồm sởi, quai bị, rubella) mất 380.000 đồng.
Thủy chia sẻ sắp lấy chồng. Vì tuổi đã cao nên chị xác định sau khi kết hôn sẽ mang thai luôn nếu có thể. Tuy vậy do không biết phụ nữ nên tiêm phòng trước khi mang thai nên có vẻ kế hoạch mang thai của chị bị chậm. "Bác sĩ dặn sau khi tiêm phòng phải kiêng từ 3 đến 6 tháng mới được mang thai. Nếu vậy không biết năm sau có con được không nữa", chị nói.
Tỏ ra khá tiếc nuối, Thủy giải thích do tính chất công việc và điều kiện sống nên chị không mấy khi tiếp cận với internet. Chỉ khi định ngày cưới, chị mới vào các diễn đàn thì biết các chị em khuyên nhau nên đi tiêm phòng trước khi lấy chồng (cụ thể hơn là trước khi xác định có con) để giảm các rủi ro có thể xảy đến với thai nhi.
"Mình hỏi hết các chị đồng nghiệp mà chẳng thấy ai nói phải làm việc này. Ngay cả mẹ mình cũng không biết mà khuyên con. Cơ thể mình vốn yếu lại hay bị cảm cúm nên tiêm cho an toàn hơn", Thủy nói.
Lấy chồng từ đầu năm 2011, Quỳnh Anh (25 tuổi, Hoàng Hóa Thám, Hà Nội) dự định sẽ sinh một đứa con tuổi rồng. Tuy nhiên sau vài tháng chưa có thai, lại bị cúm nặng, vợ chồng cô đành từ bỏ luôn kế hoạch sinh con năm 2012 để tiêm.
Quỳnh Anh chia sẻ, ông xã hơn cô 11 tuổi nên kết hôn đồng nghĩa với việc cô sẽ sinh con luôn. Thế nhưng trước đó không biết có việc tiêm phòng trước sinh nên cô chưa làm việc này. Sau lần bị cúm, rồi lo sợ có rủi ro cho thai nhi, nên dù "chậm còn hơn không" vợ chồng cô quyết định tiêm đủ các loại văcxin và lùi kế hoạch sinh con sang năm tới.
Tiêm phòng trước khi mang thai bảo đảm an toàn hơn cho cả mẹ và thai nhi nhưng nhiều người còn chưa biết tầm quan trọng của việc này. Ảnh: Phan Dương.
Cũng như vậy, chị Thu Hiền (nhân viên một ngân hàng) cũng đi tiêm phòng rubella trước khi mang thai lần 2. Bà mẹ một con cho biết lần đầu chị không biết để tiêm nhưng sang lần mang thai thứ hai, đặc biệt là sau dịch rubella khiến rất nhiều thai phụ phải bỏ con nên chị thấy việc đi tiêm là rất cần thiết.
Trên các diễn đàn lamchame, webtretho thì chủ để tiêm phòng trước mang thai được các chị em bàn luận khá sôi nổi. Hầu hết các thành viên đều nhận thấy tầm quan trọng của việc này. Một thành viên cho biết: "Thiết nghĩ việc tiêm phòng trước khi mang thai nên là việc làm bắt buộc với chị em chuẩn bị lấy chồng, cũng giống như việc nam, nữ ở nước ngoài phải có chứng nhận đủ sức khỏe trước khi kết hôn".
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, có hai loại hình tiêm chủng với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 đến 49 tuổi.
Loại hình thứ nhất là tiêm chủng miễn phí phòng uốn ván sơ sinh dành cho hai đối tượng là phụ nữ mang thai và phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ trong vùng có nguy cơ mắc uốn ván cao. Loại hình tiêm chủng này phủ sóng khắp địa bàn Hà Nội, nhiều năm liền đạt tỷ lệ trên 95%.
Loại hình thứ hai là tiêm dịch vụ dành cho những người có nhu cầu. Thông thường phụ nữ trước khi mang thai nên đi tiêm phòng cúm, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viên gan A, B, viêm phổi do phế cầu, viêm màng não...
"Tiêm phòng trước khi mang thai là rất cần thiết để an toàn cho cả mẹ và con. Tùy vào điều kiện của từng người có thể tiêm nhiều hay ít các loại văcxin. Thời gian gần đây, đặc biệt là sau dịch rubella, tỷ lệ phụ nữ đi tiêm phòng trước sinh đang tăng lên", ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết.
Tuy nhiên, ông Cảm cũng nhận thấy một thực tế là chỉ những phụ nữ ở thành phố, có kinh tế, tiếp cận nhiều với internet mới biết sự cần thiết của tiêm phòng trước khi mang thai. "Có lẽ do công tác tuyên truyền chưa tốt nên số lượng chị em phụ nữ tiêm phòng trước mang thai bị giới hạn trong nhóm có trình độ, ở thành thị. Chị em phụ nữ cần biết nếu không tiêm phòng sẽ có các rủi ro có thể xảy đến với thai nhi, đơn cử như không tiêm rubella thì trong những tháng đầu (đặc biệt là 4 tuần đầu) tỷ lệ bị dị tật bẩm sinh lên đến hơn 50%", ông Cảm cho biết thêm.
Hiện nay, ở Hà Nội có rất nhiều nhiều điểm tiêm phòng văcxin. Chị em có thể đến các cơ sở y tế của thành phố, quận/huyện, các trung tâm tiêm chủng quốc tế... Tại đây, các cán bộ y tế sẽ khuyên chị em nên tiêm văcxin cúm, mũi 3 trong 1, thủy đậu. Trong đó, văcxin cúm tiêm mỗi năm một lần, có thể giảm được ít nhất 70% nguy cơ bị mắc cúm trong thời gian mang thai. Mũi 3 trong 1 chỉ cần tiêm một lần cho cả đời. Còn với người nếu chắc chắn đã bị thủy đậu thì không cần tiêm văcxin này nữa.