10% vô sinh không rõ nguyên nhân
Chị Nguyễn Thúy Lan (37 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội) lấy chồng gần 10 năm nhưng không có thai dù kết quả thăm khám, xét nghiệm cả hai vợ chồng đều bình thường. Anh chị đi khám chữa nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân và điều trị cũng chẳng có kết quả. Trong một lần đi chữa dị ứng, thổ lộ nỗi khổ của mình, chẳng ngờ sau khi thăm khám chị được ThS.BS Hoàng Khánh Toàn kết luận, chị bị chứng vô sinh do tử cung lạnh, khiến tinh trùng và trứng không thể làm tổ được. Sau 3 tháng dùng thuốc ôn ấm tử cung theo nguyên tắc "biện chứng luận trị", chị đã có con.
Vợ chồng anh Đỗ Văn Huy (39 tuổi ở Đông Triều, Quảng Ninh) cũng khổ sở vì hơn chục năm cưới nhau vẫn "vô vọng" đường con cái. Anh chị đã đi xét nghiệm và chữa đủ kiểu nhưng "số phận" vẫn bỏ ngỏ. Cách đây 3 năm anh được chẩn đoán là tinh dịch lạnh, được dùng thuốc ôn dương tán hàn, hóa ứ thông lạc... nhờ đó mà có thai...
Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, Đông y cho rằng, việc sinh sản ở cả nam và nữ không chỉ phụ thuộc vào bộ phận sinh dục mà còn nhờ vào sự mạnh yếu của tất cả các cơ quan tạng phủ trong cơ thể, đặc biệt là tạng thận.
Theo y học cổ truyền, thận là tàng tinh, chủ về sinh dục và sinh sản. Sự thịnh suy của tinh khí chứa trong tạng thận trực tiếp quyết định quá trình sinh trưởng, phát dục và suy lão, đồng thời cũng trực tiếp ảnh hưởng tới công năng sinh dục và sinh sản của cơ thể. "Thận khí" sung thịnh, sẽ khiến cho "thiên quý" thành thục, ở nam giới biểu hiện bằng "tinh binh" phải khoẻ mạnh dồi dào ôn ấm mới có thể hòa hợp âm dương mà có con.
Đặc biệt, theo Đông y, chức năng sinh sản của nam liên quan mật thiết với ngũ tạng trong cơ thể, ngũ tạng hiệp điều, tinh khí sung thịnh, tạng tiết hợp lý, khí hóa hữu độ là nhân tố quan trọng để duy trì công năng sinh dục và sinh sản. Nếu ngũ tạng bị bệnh, sinh khí suy giảm (thần sắc không tốt), tàng tiết bất hợp lý, khí hóa bị trở ngại thì sẽ phát sinh chứng nam tính bất dục (vô sinh).
Tương tự với nữ, sách "Tử tử luận" cũng viết "nữ tử bất năng sinh tử, hữu thập bệnh" (phụ nữ không sinh được con ắt có nhiều bệnh) hay như sách "Thánh lễ tổng lục" cũng viết: "Nữ tử sở dĩ vô tử giả, xung nhân bất túc, thận khí hư hàn dã" (phụ nữ sở dĩ không có con vì hai mạch xung và nhâm bất túc, thận khí hư nhược và lạnh lẽo)...
Thực tế nghiên cứu và chữa trị cho thấy, nhiều cặp vợ chồng bị vô sinh, Tây y không tìm ra nguyên nhân thực thể tại cơ quan sinh sản, khi điều trị Đông y có kết quả là bởi bệnh không ở chính cơ quan sinh sản hoặc ở cơ quan sinh sản nhưng những khái niệm "tinh lãnh", "lãnh cung" là hoàn toàn chưa được Tây y đề cập đến và là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu.
Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh, điều trị vô sinh rất khó khăn nhất là ở những người mắc nhiều thể bệnh. Trước hết phải điều trị bệnh, nguyên nhân gây bệnh, sau đó mới tiến hành bồi bổ và khi có thai rồi lại tiến hành dưỡng thai cho đến khi mẹ tròn, con vuông.
Đòi hỏi người bệnh phải kiên trì
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn khẳng định, điều trị vô sinh bằng Đông y hiệu quả thu được chưa cao nhưng không nên phủ nhận. Việc dùng thuốc của Đông y đòi hỏi người bệnh phải rất kiên trì, không được sốt ruột ảnh hưởng tới tâm lý và kết quả chữa trị. Khi đi chữa vô sinh, hiếm muộn, người bệnh cần khám xét Tây y kỹ lưỡng để xem nguyên nhân là thực thể hay cơ năng rồi mới quyết định phương pháp trị liệu cho phù hợp.
Nếu do cơ năng thì có thể dùng các biện pháp của Đông y, nếu do thực thể thì nhất thiết phải xử lý bằng các biện pháp của y học hiện đại, y học cổ truyền chỉ có vai trò mang tính chất hỗ trợ mà thôi. Tuyệt đối không nên tìm đến các ông "lang băm" bắt mạch kê đơn đơn thuần mà chưa biết tình trạng bệnh lý cụ thể như thế nào, điều đó chỉ khiến cho người bệnh lâm vào tình trạng "tiền mất tật mang".