Trực tiếp theo dõi sức khỏe hai bé gái dính nhau ở ngực và bụng nhập viện hôm 11/8, Tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Định, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết chưa thể kết luận có phẫu thuật tách rời hai bé hay không. Trên thực tế, nhiều ca sau khi chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện đành thông báo không thể mổ.
Hơn một năm trước, bác sĩ đã phải chào thua một trường hợp từ Cà Mau chuyển đến.
"Gia đình mong muốn được mổ cho các cháu. Chẩn đoán hình ảnh cho thấy tim của hai bé dính nhau phức tạp, một cháu lại bị bệnh tim bẩm sinh nên chúng tôi không thể phẫu thuật", bác sĩ Định cho biết. Hai bé tử vong sau đó.
Từng tham gia phẫu thuật tách rời hơn 10 ca song sinh dính nhau, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng thừa nhận, việc mổ tách thành công hay không phụ thuộc vào vị trí dính nhau và các yếu tố dị tật kèm theo, thường là bệnh lý tim mạch.
Hai bé gái song sinh dính nhau đang được các bác sĩ BV Nhi Đồng 2 xem xét khả năng phẫu thuật. Ảnh: Thiên Chương.
Bác sĩ Hiếu cho biết, các kiểu song sinh dính nhau thường gặp là cùng ngực bụng, dính đầu, lưng hoặc xương cùn cụt. "Ngày nay, những trường hợp dính gan, màng tim, có cùng một ruột, một dạ dày hoặc chỉ có 2 thận đều có thể mổ thành công. Những bé có hai tim dính nhau phức tạp, có cùng não hoặc cùng tủy sống thì đành chịu", bác sĩ Hiếu nói.
Theo bác sĩ Hiếu, bệnh viện đã mổ tách thành công khoảng 5 ca, 2 trường hợp còn lại chỉ cứu được một bé. Số ca còn lại không thể mổ. Tháng 10/2010, bệnh viện tiếp nhận hai bé cân nặng 3,7 kg, có đầy đủ chân tay nhưng dính liền nhau ở ngực, bụng và có cùng dây rốn. Kết quả siêu âm, chẩn đoán hình ảnh sau đó cho thấy tim hai bé bị dính chặt vào nhau, một trong hai bé bị tim bẩm sinh phức tạp. "Nguy cơ tử vong cả hai trên bàn mổ là rất cao nên không thể phẫu thuật", bác sĩ Hiếu nói.
Bác sĩ Huỳnh Lộc Sơn, khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, người từng tham gia các ca mổ tách song sinh dính nhau thì cho rằng, ngoài việc chẩn đoán hình ảnh để quyết định có phẫu thuật hay không, điều quan trọng không kém là chăm sóc sức khỏe cho các bé trước mổ.
Theo ông Sơn, sẽ rất khó thành công nếu các chẩn đoán xác định có thể mổ nhưng sức khỏe của các bé lại quá kém. "Chúng tôi từng có một trường hợp đã lên lịch mổ nhưng cả hai bé không qua khỏi dù đã được chăm sóc đặc biệt", ông Sơn nói.
Cũng theo bác sĩ Sơn, thời điểm tốt nhất để mổ là khi các bé 3 tháng tuổi. Ở độ tuổi này, các bé mới có thể đủ sức để chống chọi với cuộc đại phẫu thuật.
Để tránh những rủi ro có thể xảy ra cho trẻ song sinh dính nhau, các bác sĩ khuyên sản phụ siêu âm thai kỳ đầy đủ để sớm đưa ra quyết định. Bác sĩ Hà Tố Nguyên, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Từ Dũ cho biết, song sinh dính nhau có thể được phát hiện từ tuần thai thứ 8. Vị trí dính và mức độ dính cũng có thể được xác định.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM cho hay, khi phát hiện thai song sinh dị tật dính nhau, bác sĩ sẽ không đưa ra quyết định hủy thai mà tư vấn để thai phụ quyết định.
Tỷ lệ trẻ song sinh dính nhau theo y văn thế giới là 1/50.000 ca. Tại Việt Nam, chưa ghi nhận trường hợp dính nhau không thể mổ sống đến tuổi trưởng thành. Các bé thường tử vong sau vài tháng chào đời.