Đây là căn bệnh cực kỳ hiếm gặp, trên thế giới chỉ ghi nhận 89 trẻ mắc và phần lớn không thể sống qua tuổi vị thành niên.
Bé Nguyễn Thị Ái Trân là con út trong gia đình ở ấp 9, xã Khánh An, huyện U Minh (Cà Mau). Lúc mới sinh, bé cũng bình thường như hai chị của mình. Lên 5 tháng tuổi, da bé nhăn nheo, chảy xệ như người già. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM chẩn đoán bé mắc chứng lão hóa sớm.
Trước đây Việt Nam cũng từng nhận trường hợp lão hóa sớm nhưng đều ở người trưởng thành, do bệnh lý. Còn chứng bệnh lão hóa sớm ở trẻ là do đột biến gene.
Năm 2004, các nhà khoa học Anh đã giải mã được căn bệnh lão hóa ở trẻ, còn gọi là Progeria hay hội chứng già trước tuổi Hutchinson-Gilford. Thủ phạm là một đột biến ở gene Lamin A.
Sang Zixuan và Sang Ziheng, 7 tuổi và 6 tuổi, mắc bệnh lão hóa sớm (progeria). Ảnh: Chinadaily.
Trường hợp nhỏ tuổi nhất được chẩn đoán mắc bệnh là cô bé Zoey Penny ở New Jersey, Mỹ. Từ khi mới 5 tháng tuổi, Zoey đã được chẩn đoán mắc chứng lão hóa sớm. Khi chào đời, bé cũng khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác. Chỉ sau 2 tháng thì bé không lên cân. Các bác sĩ nhận thấy chân bé trở nên cứng, bụng sưng lên.
Giờ cô bé chưa đến 3 tuổi nhưng trông không khác gì bà cụ còm nhom. Cũng giống như nhiều người bước vào tuổi già, Zoey gặp các vấn đề liên quan đến khớp nối, chứng viêm khớp, tắc tĩnh mạch, suy giảm trí nhớ...
Tại Trung Quốc cũng ghi nhận hai anh em trai là bé Sang Zixuan 7 tuổi và em trai Sang Ziheng 6 tuổi mắc chứng bệnh già trước tuổi này. Từ khi lên 2 tuổi, cơ thể hai cậu bé bắt đầu có sự thay đổi lớn: da nhăn nheo dần, xương trở nên yếu ớt và mất khả năng nói. Trước đó, tại đất nước này, con trai và con gái của một cặp vợ chồng ở tỉnh An Huy được phát hiện mắc bệnh lão hóa ở tuổi lên 1. Các em đã tử vong khi được 15, 17 tuổi.
Cô bé Hayley Okines mới 14 tuổi nhưng trông không giác bà cụ 105 tuổi. Ảnh: The Guardian.
Bệnh nhân không phát bệnh vào lúc mới sinh mà phải 18 tháng sau đó mới có các triệu chứng của tuổi già, như còi cọc, da nhăn nheo, mặt nhỏ, quai hàm to gần bằng đầu, bị hói vào lúc 4 tuổi, cơ quan nội tạng rệu rã. Chiều cao của trẻ không quá 1 m và chỉ nặng khoảng 13-15 kg. Trẻ mắc bệnh này có tốc độ lão hóa nhanh gấp 7-10 lần so với những đứa trẻ bình thường. Bé thường tử vong ở tuổi 13-14 vì những bệnh của người già như tim và đột quỵ.
Cô gái người Anh, Adrienne Greenway là một trường hợp hy hữu trên thế giới. Bất chấp những lời tiên đoán của các bác sĩ, cô vẫn sống đến năm 25 tuổi. Tờ Gloucestershire đưa tin, cô gái đã qua đời sau trận viêm phổi cuối tháng 1 vừa rồi.
Chị Allison, mẹ của Adrienne, chia sẻ: "Rất nhiều lần các bác sĩ nhắc đi nhắc lại 'đã đến lúc con gái chị ra đi', thế nhưng hết lần này đến lần khác nó đều vượt qua được. Nhưng cả nó và chúng tôi đều biết rằng lần này thì khác".
Cô bé Hayley Okines, người Anh, thậm chí xuất bản cuốn tự chuyện kể về việc một đứa trẻ đã phải chống chọi với căn bệnh quái ác như thế nào. Các bác sĩ dự đoán cô sẽ không sống quá 13 tuổi. Nhưng vào tháng Ba vừa rồi, Hayley đã tổ chức sinh nhật lần thứ 14 của mình với vẻ ngoài không khác gì một cụ bà 105 tuổi. Từ khi được chẩn đoán bệnh, thời gian của cô chỉ dành để ra và vào bệnh viện.
Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra cách chữa trị căn bệnh này. Nguyên nhân dẫn đến sự đột biến vẫn còn là điều bí ẩn. Gia đình những em bé vẫn sống trong hy vọng một ngày nào những tiến bộ của y học có thể giúp con cái họ khỏe mạnh và có thể đến trường.