1. Có cần phải ngủ đủ 8 giờ mỗi đêm?
Không nhất thiết đêm nào cũng đúng y như thế. Trái lại, nếu cuộc sống đồng nghĩa với linh động thì giấc ngủ cũng thế. Số giờ ngủ thay đổi tùy theo nhu cầu phục hồi của cơ thể.
Ngày nào kéo cày nhiều hơn, đêm về cần ngủ lâu hơn. Thai phụ vì thế cần ngủ nhiều hơn người nhàn rỗi. Số giờ ngủ cũng thay đổi tùy theo tuổi tác. Người già không cần và cũng không thể ngủ hơn 8 tiếng trong khi trẻ sơ sinh ngủ suốt ngày càng tốt.
2. Kiểu ngủ nào gây bất lợi cho sức khỏe?
Ngủ sớm dậy sớm, ngủ sớm dậy trễ, ngủ trễ dậy sớm hay ngủ trễ dậy trễ, kiểu nào bất lợi cho cơ thể. Không đáp án nào chính xác vì đó là các thể dạng cá biệt về giấc ngủ.
Giấc ngủ chỉ trở thành bất lợi cho sức khỏe khi người ngủ vì công việc (trực đêm, lái xe đường dài …) nên không có giấc ngủ hợp với cơ tạng của mình. Khó chính ở chỗ không hẳn ai cũng có thể chọn công việc cho phù hợp với thói quen nghỉ ngơi.
3. Phần nào của giấc ngủ quan trọng nhất cho sức khỏe?
1/3 đầu, 1/3 giữa, 1/3 cuối hay phần nào cũng quan trọng? Một cách tương đối, 1/3 đầu của giấc ngủ nếu “ngủ khách” có được giấc ngủ sâu đến độ có giấc mơ, tốt xấu là chuyện khác, thì đó là điều kiện tối ưu cho tiến trình phục hồi của cơ thể.
Do đó, cố gắng làm sao để đừng bị quấy rầy khi vừa chợp mắt, vì nếu xảy ra rất khó tìm lại giấc ngủ. Tình trạng này càng rõ nét hơn nữa ở người cao tuổi.
4. Giấc ngủ là khoảng thời gian để cơ thể học tập, sáng tác, phán đoán?
Hoàn toàn chính xác.
Chức năng tư duy thậm chí rồ ga trong giấc ngủ để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong ngày hôm trước. Điện não đồ đo trong giấc ngủ cho thấy não không hề nghỉ trong giấc ngủ.
5. Lý do nào khiến người dễ ngủ nhưng đến 1 - 2 giờ sáng bỗng thức giấc rồi trăn trở đến sáng?
Đứng hàng đầu là hậu quả của stress, nhưng theo bén gót là hậu quả của dao động nội tiết tố trong giai đoạn mãn dục nam, giai đoạn mãn kinh. Đối tượng từ tuổi 50, nam nữ cũng thế, vì thế cần được điều chỉnh nội tiết tố, thay vì vội vã dùng thuốc an thần rồi khó tránh lệ thuộc thuốc.
Theo Danviet.vn