Tiền sử gia đình làm tăng khả năng ung thư
Trong nghiên cứu dịch tễ học phân tử ung thư dạ dày và đại trực tràng ở Việt Nam do PGS.TS Nguyễn Thị Thu (trường Đại học Y Hà Nội) làm chủ nhiệm đề tài cho thấy, trong số 612 bệnh nhân mắc bệnh ung thư và không mắc bệnh ung thư thì tiền sử mắc bệnh ung thư của gia đình đối tượng nghiên cứu có sự liên quan đến bệnh ung thư. Cụ thể, trong gia đình có người bị ung thư thì khả năng làm tăng nguy cơ ung thư với chỉ số nguy cơ mắc bệnh ung thư là 1,82.
Theo các chuyên gia, không chỉ trong đề tài này mà nhiều nghiên cứu ở trong và ngoài nước cũng đã cho thấy, tại gia đình có người bị ung thư thì nguy cơ mắc bệnh thường rất cao, gấp 2 lần so với người khác. Bên cạnh đó, các xem xét tiền sử bệnh loét dạ dày ở các đối tượng nghiên cứu thông qua con số đã chỉ ra rằng: Trong tổng số 133 người có tiền sử bị loét dạ dày thì có 87 người bị ung thư dạ dày, tức chiếm 65,4%. Kết luận này phù hợp với công bố của Viện Nghiên cứu Ung thư Petrov (CHLB Nga) là 70% ung thư dạ dày phát sinh ở người có viêm loét dạ dày kéo dài trên 10 năm.
Trong các nhóm máu, hệ số mắc bệnh của nhóm máu A là cao nhất.
Nhóm máu A, B nguy cơ mắc ung thư cao
PGS.TS Lê Trần Ngoan, Bộ môn Sức khoẻ nghề nghiệp, trường Đại học Y Hà Nội là phó chủ nhiệm đề tài trên cho hay: Một số nghiên cứu cho thấy, ung thư dạ dày có liên quan đến nhóm máu. Hệ số mắc bệnh của nhóm máu A là cao nhất: 1,35%; nhóm máu B là 1,21; nhóm máu AB là 1,01 và nhóm máu O là 0,73. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày ở nhóm máu A tăng 15 - 20%.
"Đã có những nghiên cứu cho thấy, yếu tố gen có một vai trò tiềm tàng trong quá trình sinh ra bệnh ung thư của dạ dày. Điều này cũng tương đồng với nghiên cứu trong nhóm tiền sử gia đình có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư. Có những gia đình nguy cơ cao gấp 2 - 3 lần so với cộng đồng và những người nhóm máu A cũng có tỷ lệ ung thư cao hơn. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp các kết luận là những người có nhóm máu A và B nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn nhóm đối chứng", PGS.TS Lê Trần Ngoan nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định: Nhóm máu không tự nó có thể gây ung thư. Có thể có các yếu tố phối hợp nào đó mới gây được ung thư dạ dày ở những người có nhóm máu A hoặc B. Vì thế, cần có các nghiên cứu tiếp để chứng minh cho giả thuyết này đồng thời góp phần phòng bệnh ung thư dạ dày có hiệu quả.
"Các khảo sát và chứng minh khoa học là thế, nhưng tất cả mọi người nói chung và những ai có nhóm máu A hoặc B hãy phòng bệnh ung thư dạ dày và nhiều loại ung thư khác bằng cách thay đổi thói quen như không hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu hoặc bia dưới 50ml/ngày. Không nấu thức ăn ở nhiệt độ cao như rang, rán, nướng, quay sẽ an toàn hơn", PGS.TS Lê Trần Ngoan đưa ra lời khuyên.
Uống chè xanh có thể giảm nguy cơ ung thư
Trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học chưa thấy được mối liên hệ giữa thói quen uống trà và cà phê liên quan đến nguy cơ ung thư. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu bệnh chứng về chế độ ăn và ung thư dạ dày ở Thổ Nhĩ Kỳ của Tanner Demirer và cộng sự khi họ khẳng định chưa thấy được sự khác biệt trong việc sử dụng trà giữa nhóm bệnh và nhóm đối chứng.
Trong khi đó, nghiên cứu thử nghiệm ở Nhật Bản và Trung Quốc đã chứng minh được chè xanh có nhiều hợp chất polyphenolic có tác dụng ngăn tạo khối u trên động vật. Nghiên cứu cho chuột uống nước chè xanh của tác giả Allan Conney ở Trường tổng hợp Tutger đã xác định nước chè có tác dụng giảm nguy cơ ung thư dạ dày tới 58%. Theo dõi trên người ở nghiên cứu về dinh dưỡng và ung thư dạ dày ở Nhật Bản thì thấy rằng uống chè xanh trên 10 chén/ngày có thể giảm nguy cơ gây ung thư dạ dày.