Các chuyên gia đến từ trường đại học Albert Einstein ngành dược tại New York và đại học Yale đã dẫn đầu cuộc nghiên cứu này. Họ tiến hành theo dõi sức khỏe và kiểm tra 560 tình nguyện viên độ tuổi khoảng 35 đang gặp vấn đề với việc đậu thai và đang theo một phương pháp trị liệu y học để chữa chứng hiếm muộn. Các đối tượng tham gia được lấy mẫu máu và sau đó các nhà khoa học đem các mẫu máu này đi phân tích để xác định nồng độ hormon kích thích phát triển nang trong buồng trứng (FHS).
Chỉ số FHS cao hơn 10 cho thấy người phụ nữ khó mang thai hơn những chị em có chỉ số này dưới 10. FHS cao cho thấy rằng diện tích buồng trứng còn trống để phát triển trứng là rất ít, do đó nó ảnh hưởng đến cả số lượng lẫn chất lượng trứng của người phụ nữ. Lượng trứng của một người phụ nữ bắt đầu giảm đi khi bước vào tuổi 30, và đến đầu những năm 40 tuổi, lượng trứng lại giảm nhanh rõ rật nên rất khó có con.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia đã phát hiện ra là phụ nữ mang nhóm máu O có tỉ lệ sụt giảm trứng cao gấp đôi những người mang nhóm máu khác. Trong khi đó những chị em mang nhóm máu A lại may mắn có khả năng mang thai cao hơn do nhóm máu này có một loại protein đặc biệt bao phủ tế bào trứng là A antigen. Nhóm máu AB cũng có loại protein tương tự trong khi nhóm máu O lại không có.
Các nhà khoa học khẳng định nồng độ FHS có liên quan đến khả năng có thai thế nhưng cũng không quên nhắc nhở chúng ta rằng loại hormon này chỉ là một trong số nhiều nguyên nhân quyết định việc có dễ mang thai hay không. Vì vậy, dù bạn có nhóm máu O thì cũng đừng quá lo lắng, y học hiện đại sẽ giúp bạn chữa được chứng hiếm muộn nếu chẳng may mắc phải. Ngoài ra, vẫn còn nhiều nghiên cứu khác cần được triển khai để tìm ra các yếu tố khác ảnh hưởng đến bệnh hiếm muộn.
Theo aFamily.vn