Chị Linh cho biết: “Lần thứ 2 tôi sử dụng miếng dán để mặc váy quây đi đám cưới, vì mải vui nên không để ý tới cảm giác ngứa ngáy. Thế nhưng, tối về đến nhà thì phát hiện vùng da ở ngực có miếng dán bao phủ đều bị ngứa dữ dội và nổi mụn đỏ li ti.
Nhiều người nổi mụn, bọng nước, viêm da sau khi sử dụng một số miếng dán ngực kém chất lượng. (Ảnh minh họa)
Tình trạng ngứa kéo dài tiếp những ngày sau đó khiến tôi gãi rất nhiều. Các nốt mụn đỏ càng phồng to hơn, có đọng nước ở trong, nhiều đầu mụn bắt đầu có dấu hiệu mưng mủ ”.
Khác với chị Linh, chị Nguyễn Nhu Hoa ở Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội không hề tỏ ra băn khoăn, lo lắng vì chị rất muốn sử dụng miếng dán ngực.
Theo chị Hoa: “Công việc của tôi buộc phải chú ý nhiều đến ăn mặc và trang phục, thường xuyên phải mặc những trang phục hở lưng, không cổ nên miếng dán khá phù hợp. Tôi thấy nhiều người sử dụng và chưa gặp bất kỳ vấn đề gì nên tôi nghĩ dùng miếng dán ngực chẳng có vấn đề gì cả. Hơn nữa, nếu có vấn đề người ta chẳng bán tràn lan như thế”.
Bên cạnh đó rất nhiều người khác cùng chung quan điểm với chị Hoa về sự tiện lợi và tính thẩm mỹ của miếng dán ngực.
Bác sĩ Võ Mỹ Hoa, nguyên phó phòng khám Viện da liễu Hà Nội, cho biết: “Không thể phủ nhận tính tiện dụng và thời trang của loại phụ kiện này. Tuy nhiên việc lạm dụng quá đà các loại miếng dán ngực silicon với bất kỳ lý do gì đều gây tác hại với cơ thể.
Miếng dán ngực của chị Linh sau khi sử dụng. Một loại chất dính rỉ ra từ trong miếng dán và bụi đất, lông tơ còn bám lại
Khi sử dụng miếng dán ngực silicon sẽ phải dán trực tiếp miếng silicon lên ngực, đầu ngực được dính bằng keo dán ngực hoặc chất dính có sẵn trên miếng dán.
Những người có cơ địa bình thường cũng khó tránh khỏi tình trạng bức bách, ướt dính trên da, ngay cả khi không mẫn cảm với các thành phần của miếng dính. Trong thời gian ngắn không sao nhưng về lâu dài thì xung quanh vùng da được dán liên tục sẽ mẩn đỏ và bị ngứa. Đây gọi là hiện tượng viêm da tiếp xúc.
Còn với những người có cơ địa nhạy cảm, có tiền sử bị dị ứng, đặc biệt dị ứng với các chất hóa học thì sử dụng miếng dán có thể gây mẩn, ngứa. Nếu vẫn sử dụng, lạm dụng trong thời gian dài, toàn bộ vùng da bị tiếp xúc với miếng dán sẽ bị ngứa, viêm đỏ, rỉ nước, thậm chí phù nề.
Với những trường hợp này, nếu thương tổn chỉ mới ở vùng thượng bì thì sẽ nhanh chóng khỏi khi được điều trị và ngừng sử dụng miếng dán. Tuy nhiên, nếu thương tổn đã ăn sâu vào hạ bì thì sẽ dẫn tới tình trạng mụn dầy, chảy nước, viêm nặng, nhiễm trùng chảy mủ, sau đó sẽ bong, lột da. Việc chữa trị cũng mất thời gian hơn nhiều.
Bên cạnh đó, tình trạng mẩn ngứa dễ dàng tái phát khi tiếp xúc với miếng dán hoặc keo dán ngực, hoặc các chất dễ gây dị ứng khác”.
Theo bác sĩ Hoa: “Làm đẹp là nhu cầu tự nhiên, và không thể phụ nhận sự hữu hiệu và tính thẩm mỹ của miếng dán ngực trong việc làm đẹp cho phụ nữ. Tuy nhiên, miếng dán ngực phần lớn được chế tạo bằng silicon, thường dai, kín nên không có tác dụng thấm hút mồ hôi. Vì vậy, mồ hôi tiết ra từ cơ thể sẽ đọng lại trên miếng dán, không thoát ra được và nó sẽ tạo ra vùng ẩm ướt cho “núi đôi”.
Chưa kể tới bụi bẩn từ môi trường, tế bào chết của cơ thể bám dính vào lớp keo hoặc hợp chất dính trên miếng dán trở thành chỗ trú ngụ vô cùng lý tưởng cho các loại vi trùng, vi khuẩn.
Còn một lý do nữa, thực tế hiện này các loại miếng dán ngực, đầu ngực giả, nhái, kém chất lượng được bán tràn lan, trôi nổi trên thị trường, phần nhiều không được kiểm định chất lượng, không rõ nguồn gốc nên, thành phần nên khi sử dụng rất dễ gây ra tình trạng dị ứng mẩn ngứa, bong tróc da”.
Bác sĩ Hoa đưa lời khuyên: "Nên hạn chế sử dụng miếng dán ngực. Nếu có thể thì không nên sử dụng, khi nhất thiết phải dùng thì cần tìm mua được miếng dán có nguồn gốc rõ ràng để tránh những tổn thương đáng tiếc với cơ thể”.